Ứng dụng nền tảng số trong doanh nghiệp: Còn nhiều hạn chế
– Toàn tỉnh hiện có 3.790 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động với số vốn đăng ký trên 38.700 tỷ đồng (trong đó 98% là DN nhỏ và vừa). Các DN đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, do đặc thù về quy mô và tiềm lực nên việc ứng dụng các nền tảng số trong thực hiện chuyển đổi số (CĐS) cho DN hiện còn hạn chế.
CĐS trong DN là việc tích hợp, ứng dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của DN. Nắm bắt được xu thế về CĐS, thời gian qua cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiếp cận và từng bước ứng dụng các giải pháp phần mềm vào hoạt động quản lý kế toán, tài chính, bán hàng, tiếp thị trực tuyến… Tuy nhiên, việc lựa chọn, ứng dụng các nền tảng số trong DN, nhất là DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.
Đại diện lãnh đạo Viettel Lạng Sơn và lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư ký kết triển khai thí điểm đăng ký doanh nghiệp qua mạng tại các cửa hàng Viettel trên địa bàn tỉnh
Để xác định mức độ CĐS của các DN, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã ban hành Kế hoạch số 109/KH-SKHĐT tháng 4/2022 về thực hiện chương trình xác định chỉ số đánh giá mức độ CĐS trong DN và hỗ trợ DN CĐS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, DN được tuyên tuyền, hỗ trợ về chiến lược, kế hoạch thực hiện CĐS; được tham gia các hội thảo, tập huấn. Đồng thời, các DN còn được đánh giá, xác định chỉ số CĐS của đơn vị mình…
Qua thực tế khảo sát của Sở KH&ĐT, hiện nay, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đều đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý như: thư điện tử, zalo, sử dụng phần mềm kế toán, chữ ký số trong báo cáo, kê khai nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội; khoảng 80% DN đã bắt đầu ứng dụng công nghệ số vào các khâu như: thanh toán, giao nhận, hóa đơn điện tử… nhưng chỉ ở mức độ cơ bản để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết. Còn các nhiệm vụ phục vụ chuyên sâu như: quản lý nhân sự, quản lý bán hàng, quản lý tổng thể hoạt động của DN hiện vẫn chưa được áp dụng các nền tảng số vào quản lý.
Ông Huỳnh Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Long (huyện Cao Lộc) cho biết: Hiện nay, DN vẫn vận hành theo phương thức sản xuất và kinh doanh trực tiếp là chủ yếu. Việc ứng dụng các nền tảng số vào quản lý, điều hành, đơn vị vẫn còn hạn chế. Hiện tại, DN đang sử dụng các phần mềm phục vụ cho hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh như: kê khai thuế điện tử, thanh toán hóa đơn điện tử… Còn các vấn đề như quản lý nhân sự, quản lý tổng thể DN, đơn vị cũng đang lúng túng trong lựa chọn, ứng dụng các nền tảng số phù hợp.
Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý (huyện Tràng Định) đang khó khăn trong tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động quản lý của đơn vị. Ông Hà Viết Quý, Giám đốc công ty cho biết: DN chuyên về chế biến và xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường nước ngoài nên vấn đề CĐS là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay DN cũng mới chỉ ứng dụng một số phần mềm đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước như: thuế, bảo hiểm… Còn những vấn đề, nhiệm vụ chuyên sâu, đơn vị vẫn khó khăn trong tiếp cận, triển khai.
Nhân viên Viettel Lạng Sơn giới thiệu, tư vấn các nền tảng số hiện có của đơn vị cho khách hàng
Không chỉ 2 DN trên, hiện hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đều khó khăn trong tiếp cận, lựa chọn các nền tảng số vào phục vụ hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân do các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Việc CĐS trong DN là đầu tư để thay đổi từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, kết cấu hạ tầng đến giải pháp công nghệ, do đó đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn. Ngoài ra, hiện nay các DN đều đang thiếu nhân lực phục vụ cho công tác CĐS; nhiều DN còn hạn chế về ứng dụng công nghệ – thông tin và chiến lược tổng thể về CĐS…
Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Hiện nay, các DN trên địa bàn tỉnh đều có nhu cầu ứng dụng các nền tảng số vào hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận, triển khai, các DN vẫn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong đó phải kể đến thực tế hiện nay, một bộ phận nhà quản trị DN còn có quan điểm, tư duy chậm đổi mới, chưa xem trọng quá trình CĐS, do đó chưa thực sự có sự quyết liệt trong thay đổi từ nhận thức đến tổ chức triển khai. Để CĐS trong DN đạt hiệu quả, bên cạnh mức độ sẵn sàng, chủ động từ DN thì DN rất cần thêm sự quan tâm từ các cơ quan chức năng trong hỗ trợ các giải pháp, đào tạo chuyên sâu, tư vấn lộ trình triển khai CĐS. Qua đó, góp phần thúc đẩy CĐS trong DN trên địa bàn tỉnh.
Trước thực tế khó khăn trên, để hỗ trợ DN thực hiện CĐS hiệu quả, ngay từ đầu năm 2023, Sở KH&ĐT đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND về hỗ trợ DN nhỏ và vừa của tỉnh. Theo đó, các sở, ngành liên quan tăng cường thực hiện hỗ trợ DN nhỏ và vừa về CĐS như: tư vấn giải pháp CĐS về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh cho DN. Đồng thời, tích cực phối hợp triển khai các giải pháp hỗ trợ DN trong lựa chọn, sử dụng các nền tảng số phù hợp nhu cầu, điều kiện thực tế của đơn vị…
Bà Dương Thị Hoan, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: CĐS là một trong những bước đi tất yếu giúp DN có được lợi thế cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường hỗ trợ các DN trên địa bàn tiếp cận và từng bước ứng dụng các nền tảng số vào hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, sở cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh các kế hoạch, giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cộng đồng DN của tỉnh, đặc biệt là DN nhỏ và vừa trong việc nâng cao nhận thức về kỹ năng số, hỗ trợ lựa chọn các nền tảng số phù hợp để tự động hóa, tăng hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất… Qua đó, góp phần đẩy mạnh CĐS, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Mong rằng, với sự quan tâm, đồng hành của các ngành chức năng tỉnh, trong thời gian tới, cộng đồng DN của tỉnh sẽ tiếp cận và thành công ứng dụng các nền tảng số vào phục vụ hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh. Qua đó, góp phần thúc đẩy CĐS nói chung trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông
“CĐS trong DN là xu thế tất yếu. Các hoạt động CĐS bao gồm từ việc số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của DN, ứng dụng các nền tảng số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo trong DN cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới. Toàn tỉnh hiện có 3 đơn vị cung cấp các nền tảng số phục vụ CĐS cho DN gồm: Trung tâm Kinh doanh VNPT Lạng Sơn, Viettel Lạng Sơn và Công ty Cổ phần Misa (thành phố Hà Nội). Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục quan tâm, đề nghị các DN công nghệ số trên địa bàn tỉnh tích cực hỗ trợ, bước đầu cung cấp miễn phí các nền tảng số phù hợp cho DN. Đồng thời, sở cũng tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn DN tiếp cận, lựa chọn các nền tảng số phù hợp”
Ông Bùi Đình Khoa, Giám đốc Viettel Lạng Sơn
“Viettel Lạng Sơn là 1 trong những đơn vị cung cấp các nền tảng số phục vụ cho CĐS của DN trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, đơn vị đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ sinh thái giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông (gồm: hệ giải pháp kết nối thiết bị từ xa, hệ giải pháp viễn thông cơ bản, hệ sinh thái ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc và tương tác khách hàng, hệ sinh thái giải pháp quản trị vận tải, hệ giải pháp viễn thông chăm sóc khách hàng và quảng bá thương hiệu, hệ sinh thái giải pháp quản trị DN cơ bản và thiết yếu) với khung cơ bản phục vụ cho quá trình CĐS của các DN. Ngoài ra, trên cơ sở mức độ sẵn sàng và nhu cầu CĐS của từng DN, đơn vị sẽ xây dựng những nền tảng số đáp ứng đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Toàn tỉnh hiện có khoảng 400 đến 500 DN sử dụng các nền tảng số do Viettel cung cấp. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu của DN, từ đó xây dựng những nền tảng số phù hợp trên cơ sở bộ sản phẩm hệ sinh thái hiện có. Qua đó, góp phần thúc đẩy CĐS trong DN trên địa bàn tỉnh”
CHANG LIỄU
Ý kiến ()