Ứng dụng mô hình đệm lót sinh thái: Nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi
LSO-Hiện nay, có nhiều giải pháp để xử lý chất thải trong chăn nuôi như dùng hầm khí sinh học biogas, dùng chế phẩm sinh học E.M, thu gom phân hàng ngày, chôn lấp, tuy nhiên, những biện pháp này chưa thực sự phát huy hiệu quả trong chăn nuôi. Chính vì vậy, vừa qua Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN Lạng Sơn đã triển khai mô hình “ứng dụng công nghệ vi sinh xây dựng mô hình đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gia súc, gia cầm” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Sau một thời gian triển khai, mô hình đệm lót sinh thái là một giải pháp hữu ích, mang lại nhiều tiện lợi cho người chăn nuôi, đồng thời còn góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Sử dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gà |
Kỹ sư Phùng Chí Phương, Chủ nhiệm đề tài cho biết, theo thống kê ở thời điểm năm 2010, số lượng lợn trên địa bàn tỉnh có khoảng 370.000 con, tổng đàn gà khoảng 3.800 nghìn con. Qua tính toán, trung bình một ngày một con lợn thải 3kg chất thải, một con gia cầm thải 0,1kg chất thải. Như vậy, với số lượng lợn và gà như trên thì mỗi ngày sẽ có trên 5.000 nghìn kg chất thải thải ra môi trường. Để cải thiện và làm sạch môi trường trong chăn nuôi tại một số địa phương trên địa bàn Lạng Sơn, Trung tâm đã tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu và thực hiện thí điểm việc “ứng dụng công nghệ vi sinh xây dựng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gia súc, gia cầm” tại 4 mô hình ở thành phố Lạng Sơn và huyện Lộc Bình.
Sau một thời gian thực hiện thí điểm, 4 mô hình chăn nuôi (2 chuồng chăn nuôi lợn, 2 chuồng chăn nuôi gà) đã cho những kết quả khả quan. Đối với lợn, sau một thời gian nuôi trên mô hình đệm lót sinh thái có sử dụng công nghệ vi sinh, lợn phát triển tốt, lợn thịt đến thời điểm xuất chuồng đạt trên 100 kg. Đối với gà thương phẩm chăn nuôi trên đệm lót sinh thái, gà khỏe, thịt chắc, phát triển đều hơn. Qua 4 mô hình thí điểm này cho thấy, đệm lót sinh thái có tác dụng lên men phân gia súc, gia cầm giúp chuồng trại giảm mùi hôi, không cần dọn phân hàng ngày và rửa chuồng trong quá trình nuôi. Đệm lót sinh học bao gồm quần thể vi sinh vật hữu ích có hoạt tính cao, có thể tồn tại cùng nhau trong một thời gian dài, có khả năng lên men phân giải các chất hữu cơ, phân, nước tiểu gia súc, gia cầm, làm giảm khí độc, mùi hôi và ức chế các vi sinh vật có hại, giúp cho gia súc, gia cầm sống thoải mái, tăng trọng nhanh và có sức đề kháng cao.
Theo 2 hộ thực hiện mô hình thí điểm chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh thái, thay vì nuôi trên nền xi măng hoặc nền gạch, phải tắm, dọn phân mỗi ngày thì mô hình nuôi heo trên nền chuồng sử dụng đệm lót sẽ giúp tiết kiệm 80% nước, 60% nhân lực, 10% chi phí thức ăn, thuốc thú y phòng trừ dịch bệnh. Ngoài ra, trong đệm lót chứa các vi sinh vật có lợi nên sẽ rất hiệu quả trong phòng, chống các bệnh dịch hại, như: lở mồm long móng, tai xanh, cúm… Các hộ chăn nuôi gà thì khẳng định: nuôi gà trên đệm lót sinh thái không những góp phần khử mùi hôi mà còn có tác dụng giữ ấm cho gà. Đặc biệt, nuôi gà trên lớp đệm lót này giúp gà chạy, nhảy, đào, bới… như ngoài môi trường tự nhiên, điều này giúp gà chắc thịt và khỏe hơn, đồng thời còn phòng tránh được 2 bệnh mà gà thường mắc là bệnh đường hô hấp và đường ruột.
Kỹ sư Phương cho biết rằng, việc tạo lớp đệm lót cũng rất đơn giản và chi phí thấp. Nguyên liệu chỉ cần mùn cưa, trấu, cám ngô và một lượng chế phẩm Balalas. Những nguyên liệu này ngoài chế phẩm Balalas phải mua, còn lại hầu hết người chăn nuôi có thể tự làm. Đặc biệt, mỗi lớp đệm lót người chăn nuôi có thể sử dụng cho cả một vụ chăn nuôi, tức là, sau một lứa lợn hoặc gà, người chăn nuôi mới phải tạo một lớp đệm lót sinh thái khác. Một ưu điểm nữa của đệm lót sinh thái là lớp đệm cũ không phải bỏ đi, sau khi hết vụ chăn nuôi, lớp đệm này có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng.
Từ 4 mô hình triển khai thành công tại thành phố Lạng Sơn và huyện Lộc Bình đã có thể khẳng định: việc áp dụng biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh thái đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Không chỉ giúp người chăn nuôi giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn giúp tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mô hình chăn nuôi này cần được nhân rộng ra nhiều địa phương, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn.
Ý kiến ()