Ứng dụng kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh hại cây thạch đen
LSO-Thạch đen là cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp của huyện Tràng Định. Nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng thạch đen, những năm gần đây, nông dân trong huyện tăng cường áp dụng kỹ thuật tiên tiến để phòng trừ sâu, bệnh gây hại.
Nông dân xã Kim Đồng chăm sóc vườn thạch đen |
Thạch đen xuất hiện từ khá lâu đời ở Tràng Định và được trồng nhiều từ năm 2000 đến nay. Trung bình mỗi năm, nông dân trong huyện trồng từ 1.200 đến 2.000 ha. Loại cây này được trồng tập trung nhiều nhất tại các xã: Kim Đồng, Tân Tiến, Cao Minh, Đoàn Kết, Vĩnh Tiến, Khánh Long, Bắc Ái, Chí Minh, Chi Lăng và một số xã phía Đông của huyện. Năng suất cây thạch đen được duy trì ổn định từ 5,8 đến 6 tấn/ha đem lại sản lượng bình quân từ 8.700 đến 12.000 tấn/năm, cho giá trị kinh tế từ 87 đến 360 tỷ đồng/năm.
Thạch đen là cây thân thảo, phân nhánh nhiều và mọc tỏa ra trên mặt đất, chứa nhiều nước, thân lá mềm nên thường mắc một số loại sâu, bệnh gây hại như sâu xám, sâu xanh, bọ cánh cứng, ban miêu; bệnh thối nhũn, xém mép và khô đầu lá… Trong các các loại sâu gây hại, sâu xám và sâu xanh là 2 loại sâu gây hại nặng ở giai đoạn cây mới trồng hoặc vào tháng 3 – 4 khi cây đang sinh trưởng mạnh. Sâu xám có thể cắn cụt cây. Cả sâu xám và sâu xanh đều có thể ăn khuyết và ăn trụi lá làm trơ gân lá. Bọ cánh cứng và ban miêu thường gây hại trên lá non, lá bánh tẻ. Chúng ăn phần thịt lá, để trơ gân lá. Bệnh thối nhũn thân, gốc, lá chủ yếu do nấm gây ra, thường phát triển và gây hại nặng trong điều kiện nóng ẩm, trồng dày, thời tiết âm u hoặc bón quá nhiều đạm. Bệnh xém mép và khô đầu lá, xoăn hoặc vàng lá thường xuất hiện trong quá trình cây phát triển và trưởng thành.
Bà Nông Thị Kim Oanh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Tùy vào điều kiện thời tiết, có những năm, tỷ lệ nhiễm sâu, bệnh lên tới 80% tổng diện tích trồng. Các loại sâu, bệnh gây hại thường ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, làm giảm năng suất cây thạch đen. Trước đây, để phòng, trừ, người dân thường sử dụng các biện pháp cơ giới như bắt sâu; tỉa cành, lá bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại từ các phương pháp này không cao nhất là đối với địa hình trồng cây thạch đen trên nương có độ dốc cao.
Những năm gần đây, người dân huyện Tràng Định tích cực áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh gây hại trên cây thạch đen đem lại hiệu quả phòng trừ cao mà không tốn nhiều công sức. Ngoài việc sử dụng các phương pháp truyền thống, theo kinh nghiệm, người dân còn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun phòng trừ sâu, bệnh gây hại. Để sử dụng an toàn, hiệu quả các biện pháp này, các cơ quan chức năng của huyện tuyên tuyền, khuyến cáo người dân tuân thủ “4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng thời điểm, đúng phương pháp) khi thực hiện. Cụ thể đối với các loại sâu ăn lá cần phun đúng thuốc Sherpa 25 EC 0,2%; Decis 25 EC 0,2%; Kumulus 80 DF 90,2%; Regent 800 WG 0,1%. Sau 3 – 5 ngày nếu thấy sâu xuất hiện trở lại thì phun thuốc lần 2. Ông Lương Văn Mạo, thôn Nà Sliềng, xã Kim Đồng chia sẻ: Muốn cây thạch phát triển tốt, ít nhiễm sâu, bệnh cần thăm đồng thường xuyên. Khi phòng trừ sâu, bệnh không nên trộn phân bón lá cùng thuốc phòng trừ bởi như vậy sẽ làm cho sâu, bệnh gây hại mạnh hơn. Trước khi thu hoạch cần đảm bảo thời gian cách ly 15 ngày trở lên kể từ lần phun thuốc diệt trừ lần cuối.
Đối với phòng trị bệnh thối nhũn cây do nấm gây ra, nông dân đã biết phát hiện bệnh sớm và sử dụng đúng và an toàn các loại thuốc như Ridomil MZ 72WP 0,2% hoặc Score 250EC 0,1% phun cho cây 2 lần, cách nhau 7 ngày/lần. Với các cây bệnh nặng cần nhổ bỏ toàn bộ gốc cây, gom lại tiêu hủy, sau đó, hốc cây phải được sát trùng bằng vôi bột. Với bệnh xém mép lá, khô đầu lá bà con thường dùng thuốc Nativo 750WP 0,2% hoặc Bayfidan 250EC 0,2% phun 2 lần cách nhau 7 ngày/lần, lần 1 được phun khi bệnh bắt đầu xuất hiện.
Ông Lý Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Thời gian tới, ngoài việc tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, huyện còn tăng cường liên kết với các tổ chức, nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu thêm các phương pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại hiệu quả hơn nữa, để sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng, giữ vững thương hiệu cây thạch đen Tràng Định.
HÀ MY
Ý kiến ()