Ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất rau sạch: Nông dân thu lợi kép
LSO - Nông nghiệp công nghệ cao là ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất từ công nghệ sinh học, đến công nghệ vật liệu mới, cơ giới hóa… sao cho sản xuất nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao, đầu tư lao động thấp, không những đạt hiệu quả lớn hơn về mặt kinh tế mà còn hài hòa và thống nhất lợi ích xã hội và sinh thái môi trường. Một số địa phương trên địa bàn tỉnh như: xã Mai Pha, Quảng Lạc (TP Lạng Sơn), Tân Liên, Gia Cát (huyện Cao Lộc)… đã mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới vào trồng rau sạch và thu được những thành quả khả quan. Xã viên HTX Nà Chuông chăm sóc rau Ảnh: BÙI DŨNGHiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 19 mô hình sản xuất rau an toàn (RAT), theo tiêu chuẩn VietGap, với diện tích gieo trồng hơn 19,8 ha. Một số địa phương như TP Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, Văn Quan,... đã triển khai mô hình trồng RAT đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong đó nổi bật nhất là hợp tác xã rau...
LSO – Nông nghiệp công nghệ cao là ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất từ công nghệ sinh học, đến công nghệ vật liệu mới, cơ giới hóa… sao cho sản xuất nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao, đầu tư lao động thấp, không những đạt hiệu quả lớn hơn về mặt kinh tế mà còn hài hòa và thống nhất lợi ích xã hội và sinh thái môi trường. Một số địa phương trên địa bàn tỉnh như: xã Mai Pha, Quảng Lạc (TP Lạng Sơn), Tân Liên, Gia Cát (huyện Cao Lộc)… đã mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới vào trồng rau sạch và thu được những thành quả khả quan.
Xã viên HTX Nà Chuông chăm sóc rau
Ảnh: BÙI DŨNG
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 19 mô hình sản xuất rau an toàn (RAT), theo tiêu chuẩn VietGap, với diện tích gieo trồng hơn 19,8 ha. Một số địa phương như TP Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, Văn Quan,… đã triển khai mô hình trồng RAT đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong đó nổi bật nhất là hợp tác xã rau Nà Chuông (thôn Nà Chuông, xã Mai Pha – TP Lạng Sơn), từ năm 2007, HTX rau Nà Chuông ra đời và đến nay có 69 hộ tham gia. Được sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung tâm Ứng dụng khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) và Tổ chức VECO (tổ chức phi chính phủ), nhận tài trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng RAT theo hướng VietGap. Từ đó đến nay, HTX đã đưa vào trồng từ 14 đến 15 loại rau trên diện tích gieo trồng hơn 3,3 ha.
Ông Hoàng Văn Thịnh, Chủ nhiệm HTX rau Nà Chuông cho biết: Được sự giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Sở KH&CN, ngành nông nghiệp… bà con đã trồng và chăm sóc rau theo quy trình, nên năng suất, chất lượng đạt cao, cụ thể: trồng một sào rau cải làn, chỉ sau 47 ngày đã cho thu hoạch, trừ chi phí thu lãi gần 5,9 triệu đồng (canh tác theo tập quán cũ chỉ thu được 2 triệu đồng/sào); một sào su hào thu lãi 11,5 triệu đồng/sào, (trong khi cách trồng cũ chỉ thu được hơn 3 triệu đồng/sào); cây cà chua trồng theo đúng quy trình kỹ thuật một sào năng suất đạt 3.000 kg, với giá bán 6.000 đồng/kg, thì trừ chi phí còn lãi hơn 5,7 triệu đồng… gấp năm lần so với trồng lúa. Hiện tại rau sạch Nà Chuông đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn. Ông Thịnh đánh giá, việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào trồng rau không chỉ đem lại lợi nhuận cao đối với người sản xuất mà còn giúp người dân làm quen với kỹ thuật sản xuất RAT, giảm đáng kể công lao động, giảm chi phí vật tư (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón), giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện sức khỏe cho người sản xuất…
Con số 80% dân số sống tại nông thôn và cuộc sống phụ thuộc vào nguồn thu nhập bấp bênh từ nông nghiệp đã nói lên vai trò quan trọng của kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Việc trồng rau theo kỹ thuật cao sẽ tác động sâu sắc đến việc thay đổi tập quán canh tác, góp phần để bà con quen dần sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, từ đó đưa sản xuất nông nghiệp sẽ bền vững hơn. Tại Lạng Sơn, hiện bà con chủ yếu áp dụng theo công nghệ trồng trong nhà lưới, do vậy, họ hoàn toàn chủ động trong việc cung cấp dinh dưỡng theo nhu cầu của cây trồng và theo đó năng suất rau cũng sẽ đạt mức cao nhất. Trồng rau theo công nghệ cao khó hơn trồng rau bình thường, bắt buộc người trồng phải tuân thủ, thực hiện nghiêm ngặt 12 tiêu chuẩn theo VietGap, từ khâu giống tới các quy trình chăm sóc, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm, cây rau mới đáp ứng được tiêu chuẩn sạch.
Trồng rau kỹ thuật cao thì đất để trồng rau phải là đất cao, thoát nước tốt, thích hợp với quá trình sinh trưởng, phát triển của rau. Vùng trồng rau phải cách ly với khu vực có chất thải công nghiệp nặng, cách bệnh viện ít nhất 2km và nơi tập kết chất thải sinh hoạt của thành phố ít nhất 200m. Vì trong rau xanh nước chứa trên 90% nên việc tưới nước có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Nếu không có nước giếng cần dùng nước sông, ao, hồ không bị ô nhiễm. Nước sạch còn dùng để pha các loại phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật…Đối với các loại rau ăn quả giai đoạn đầu có thể sử dụng nước từ mương, sông, hồ để tưới rãnh. Về giống, chỉ gieo những hạt giống tốt và trồng cây con khoẻ mạnh, không có mầm bệnh. Phải biết rõ lý lịch nơi sản xuất hạt giống. Hạt giống nhập nội phải qua kiểm dịch thực vật. Trước khi gieo trồng hạt giống phải được xử lý hoá chất hoặc nhiệt. Trước khi trồng cây con xuống ruộng cần xử lý Sherpa 0,1% để phòng và trừ sâu hại sau này. Về thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm độc I và II, khi thật cần thiết có thể sử dụng nhóm III và IV. Nên chọn các loại thuốc có hoạt chất thấp, ít độc hại với ký sinh thiên địch. Kết thúc phun thuốc hoá học trước khi thu hoạch ít nhất 5 đến 10 ngày. Thu hoạch, đóng gói: Rau được thu hoạch đúng độ chín, loại bỏ các lá già, héo, quả bị sâu, dị dạng. Rau được rửa kỹ bằng nước sạch, để ráo cho vào bao, túi sạch trước khi mang đi tiêu thụ tại các cửa hàng. Trên bao bì phải có phiếu bảo hành ghi rõ địa chỉ nơi sản xuất nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Tiến sỹ Lương Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu để từng bước đưa nông nghiệp tỉnh nhà phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và bền vững.
Trí Dũng
Ý kiến ()