LSO- Chi Lăng là huyện phía Nam của tỉnh, được bao bọc bởi dãy núi đá Cai Kinh ở phía Tây và dãy núi đất Bảo Đài ở phía Đông. Trong vùng có nhiều gò, đồi rất thuận lợi cho việc chăn thả gia súc đặc biệt là nuôi dê. Tuy nhiên, chăn nuôi dê chưa thực sự phát triển, người dân Chi Lăng thường nuôi giống dê cỏ của địa phương để tận dụng các bãi chăn thả tự nhiên. Quy mô nuôi còn nhỏ lẻ mang tính tự phát, mặt khác kỹ thuật trong chăn nuôi còn có nhiều hạn chế nên năng suất, hiệu quả đạt thấp. Nhằm tạo điều kiện cho người dân khai thác những thế mạnh của địa phương phục vụ phát triển sản xuất, tạo ra những sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao, Sở Khoa học và Công nghệ đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chi Lăng thực hiện đề tài nghiên cứu, ứng dụng: “Xây dựng mô hình nuôi dê siêu thịt” tại một số xã trên địa bàn huyện Chi Lăng. Sau một thời gian thực hiện, mô hình đã đạt...
LSO- Chi Lăng là huyện phía Nam của tỉnh, được bao bọc bởi dãy núi đá Cai Kinh ở phía Tây và dãy núi đất Bảo Đài ở phía Đông. Trong vùng có nhiều gò, đồi rất thuận lợi cho việc chăn thả gia súc đặc biệt là nuôi dê. Tuy nhiên, chăn nuôi dê chưa thực sự phát triển, người dân Chi Lăng thường nuôi giống dê cỏ của địa phương để tận dụng các bãi chăn thả tự nhiên. Quy mô nuôi còn nhỏ lẻ mang tính tự phát, mặt khác kỹ thuật trong chăn nuôi còn có nhiều hạn chế nên năng suất, hiệu quả đạt thấp. Nhằm tạo điều kiện cho người dân khai thác những thế mạnh của địa phương phục vụ phát triển sản xuất, tạo ra những sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao, Sở Khoa học và Công nghệ đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chi Lăng thực hiện đề tài nghiên cứu, ứng dụng: “Xây dựng mô hình nuôi dê siêu thịt” tại một số xã trên địa bàn huyện Chi Lăng. Sau một thời gian thực hiện, mô hình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Nuôi dê núi đem lại hiệu quả kinh tế cao
Theo các chuyên viên của Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh thì, để phát triển đàn dê toàn diện, đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, trước tiên phải khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém trong chăn nuôi của người dân. Và điều đầu tiên Trung tâm làm là cải tạo đàn dê hiện có của bà con. Việc cải tạo rất đơn giản: đưa những giống dê có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao vào nuôi thử nghiệm. Nhận thức rõ tầm quan trọng của con giống, ban đầu mô hình đã tiến hành nuôi thử nghiệm 2 con dê đực, 1 con dê cái giống Boer để đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của nó trong điều kiện địa phương. Dê Boer là giống dê chuyên thịt được lai từ giống dê Ấn Độ và châu Âu. Dê Boer có thân màu trắng, hoặc vàng nhạt, cổ, đầu tai màu nâu đỏ, trán và mặt trắng. Tai to và cụp, sừng thường uốn cong về phía sau. Đầu to khoẻ, mắt to màu nâu. Trọng lượng dê đực nặng 110-140 kg/con; dê cái nặng 80-100 kg/con. Dê sinh trưởng và phát triển nhanh, tỷ lệ thịt cao, chất lượng tốt. Dê cái chỉ nuôi khoảng 10 tháng là sinh sản, mỗi năm bình quân đẻ 1 – 2 lứa.
Mặc dù nghề nuôi dê mới xuất hiện ở đất Chi Lăng vài năm nay, nhưng chăn nuôi dê đã mang lại cuộc sống khá giả cho nhiều hộ dân nơi đây. Đi thực địa một số hộ nuôi dê, sau thời gian nuôi thử nghiệm, chính bà con đã khẳng định: nuôi dê hiệu quả cao bằng và có khi là hơn nuôi bò thịt. Giá dê hơi hiện nay từ 55.000 đến 60.000 đồng/kg, còn dê giống từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng/con. Anh Hoàng Văn Phương, thôn Cây Hồng, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng tâm sự: “Nuôi dê dễ hơn nuôi bò, vì dê là loài ăn tạp, có gì ăn nấy và luôn có sức đề kháng mạnh. Vốn đầu tư mua một con dê thấp hơn nhiều so với nuôi một con bò. Giá một con bò thịt trung bình mua khoảng 10 triệu đồng, với số tiền này có thể mua từ 3 đến 4 con dê sinh sản. Nếu tính hiệu quả kinh tế, một con dê thịt sau 8 tháng nuôi có trọng lượng 35 kg sẽ có giá khoảng 2 triệu đồng, nếu so sánh cùng thời gian nuôi thì bò chưa thể bán được, vì thế có thể nói rằng nuôi dê sẽ có thời gian thu hồi vốn nhanh hơn. Thấy việc chăn nuôi dê có nhiều thuận lợi, nên từ năm 2010 anh Phương đã mở rộng chuồng trại và số lượng con giống, hiện anh có hơn 20 con dê cái sinh sản. Để tránh rủi ro anh Phương tìm hiểu những phương pháp kỹ thuật nuôi và nhất là nghiêm túc thực hiện nguyên tắc “4 đúng” để bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho dàn dê.
Trong quá trình nuôi thử nghiệm tại huyện Chi Lăng, dê Boer sinh trưởng và phát triển tốt. Đây là vật nuôi hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Việc sử dụng dê Boer nhập ngoại lai với dê cỏ địa phương là cơ sở để tạo ra đàn dê lai có chất lượng và năng suất cao hơn, giúp người chăn nuôi phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Trong thời gian tới, cần khuyến khích người dân chuyển đổi từ chăn nuôi theo hình thức chăn thả sang bán chăn thả và nuôi nhốt. Tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc lựa chọn giống, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi hạn chế tình trạng đồng huyết gây tổn thất trong quá trình sinh trưởng và phát triển của đàn dê.
Mặc dù nuôi dê núi đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng nếu chăn nuôi chỉ dựa vào kinh nghiệm theo lối quảng canh như hiện nay thì khó trở thành vùng sản xuất tập trung và ổn định được. Vì vậy, việc tạo dựng được nghề nuôi dê núi ổn định, người dân rất cần sự giúp đỡ, vào cuộc của các các cơ quan chuyên môn, tạo sự liên kết “bốn nhà” trong sản xuất và tiêu thụ.
Trí Dũng
Ý kiến ()