Ứng dụng khoa học vào chăm sóc hồng không hạt Bảo Lâm
Người dân xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây hồng không hạt Bảo Lâm từ khi cây mới ra quả |
Tổng diện tích hồng không hạt Bảo Lâm của huyện Cao Lộc là 507 ha, trong đó 212 ha đã cho thu hoạch. Loại cây này được trồng chủ yếu tại các xã: Bảo Lâm, Thanh Lòa, Thạch Đạn, Lộc Yên, Hòa Cư, Hải Yến và thị trấn Đồng Đăng. Ông Bế Thanh Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cao Lộc cho biết: Hồng không hạt Bảo Lâm là giống hồng đã được trồng từ lâu. Hiện, một số diện tích đã già cỗi, bị sâu đục thân và bệnh thán thư, rỉ sắt phá hại. Cùng với đó, kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây, chế biến sản phẩm của người dân còn hạn chế. Người dân chưa chú ý đầu tư trong sản xuất nên nhiều cây bị thoái hóa, lai tạp. Kỹ thuật nhân giống của người dân còn lạc hậu. Một số hộ không chọn lọc kỹ cây giống hoặc trồng giống cây không rõ nguồn gốc dẫn đến tỷ lệ cây trồng chất lượng kém, chất lượng quả và năng suất, sản lượng giảm, chỉ đạt khoảng từ 35 đến 46 tạ/ha, sản lượng trung bình đạt trên 1.100 tấn quả tươi/năm.
Trước tình trạng này, 2 năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Cao Lộc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền người dân áp dụng các biện pháp KH&CN trong phát triển sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm. Trong quy trình kỹ thuật canh tác, chế biến và bảo quản hồng không hạt Bảo Lâm thì kỹ thuật trồng, chăm sóc cây được người trồng chú trọng thực hiện. Nhiều hộ đã biết cách chuẩn bị đất trồng, trồng đúng khoảng cách, đào hố, bón phân, kỹ thuật trồng và áp dụng thuần thục các phương pháp nhân giống, chăm sóc cây hồng sau thu hoạch, phòng trừ một số loại sâu bệnh phá hại…
Chị Chu Thị Com, thôn Lục Ngoãng, xã Lộc Yên kể: Nhà tôi có 500 cây hồng không hạt Bảo Lâm, trong đó trên 300 cây cho thu hoạch. Từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, vườn hồng đạt năng suất, sản lượng cao hơn, tăng khoảng trên 500 kg/năm. Năm 2016, mặc dù các hộ khác thất thu nhưng vườn hồng nhà tôi thu hoạch được trên 3 tấn thu về gần 90 triệu đồng. Kỹ thuật cơ bản tôi áp dụng là trồng, chăm sóc cây đúng cách. Đối với trồng, đảm bảo mật độ cây cách cây 4m x 4m, đào hố trước khi trồng 2 tháng. Đặc biệt dùng phân xanh kết hợp với các loại phân vô cơ ủ cho hoai mục rồi mới trồng cây. Sau khi trồng cần ủ gốc bằng rơm rạ hoặc cỏ khô rồi tưới nước và thường xuyên giữ ẩm cho cây. Cây hồng thường mắc các bệnh rệp sáp, sâu đục cành, sâu đục quả, thán thư, giác ban… Với mỗi loại sâu, bệnh, gia đình tôi đều phải tìm hiểu và phun thuốc, chữa trị bằng các biện pháp khác nhau. Ví dụ với bệnh thán thư, tôi thường dùng thuốc Antracol 70WP, Amistar top 325C phun cho cây vào các đợt cây đang ra lộc, 7 – 10 ngày phun 1 lần đến khi lá chuyển sang màu vàng.
Trung bình mỗi năm, huyện Cao Lộc phát triển thêm 10 – 15 ha hồng không hạt Bảo Lâm. Hai năm gần đây, nhờ áp dụng KH&CN vào sản xuất, sản lượng hồng tăng khoảng 10%. Năm 2015, sản lượng hồng toàn huyện đạt 1.138 tấn, năm 2016 tăng lên là 1.238 tấn. Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc cho biết: Để cây hồng không hạt Bảo Lâm thực sự trở thành cây chủ lực ở huyện, cây xóa đói giảm nghèo của bà con, ngoài những biện pháp trên, phòng và các đơn vị liên quan sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật trồng theo phương pháp khoa học cho bà con như: kỹ thuật trồng, tỉa cành, tạo tán, vệ sinh, cải tạo vườn tạp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; tiếp tục tham mưu cho UBND huyện và ngành chức năng của tỉnh trong việc xây dựng bao bì, nhãn mác sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Ý kiến ()