Ứng dụng khoa học phát huy giá trị cây dược liệu
(LSO) – Tỉnh Lạng Sơn có 788 loài cây thuốc, trong đó, 35 loài cây thuộc diện bảo tồn ở Việt Nam. Đến nay, nhiều cây dược liệu đứng trước nguy cơ biến mất, các bài thuốc bị thất truyền. Chính vì vậy, Hội Đông y tỉnh và các tổ chức thành viên đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo tồn và phát huy giá trị cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Bác sỹ Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: Từ năm 1990 đến nay, nhiều diện tích rừng tự nhiên được thay thế bằng một số cây trồng khác, hệ quả của nó là cây thuốc nam vốn có sẵn dưới tán rừng tự nhiên bị biến mất. Mất cây thuốc, số ông lang, bà mế cũng ít dần, điều này dẫn đến các bài thuốc quý bị thất truyền. Điều này đặt ra yêu cầu phải ứng dụng khoa học công nghệ để lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các cây thuốc, bài thuốc quý trên địa bàn.
Ứng dụng KHCN trong sản xuất tinh chất chanh và thuốc xoa bóp
Xác định việc cần thiết phải lưu giữ các bài thuốc, cách nhận biết cây thuốc trong tự nhiên để thế hệ sau có tư liệu tham khảo, Hội Đông y tỉnh tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lập nghiên cứu, tập hợp bài thuốc nam trên địa bàn tỉnh; bước đầu đã xuất bản 3 cuốn sách về cây thuốc, bài thuốc nam. Cùng với đó, xây dựng hồ sơ tài nguyên số về các thầy thuốc nam trên địa bàn tỉnh, giúp họ kết nối và chia sẻ kinh nghiệm thông qua mạng xã hội hiện có.
Để nâng cao vị thế các bài thuốc nam và dược liệu, Hội Đông y tỉnh phối hợp với tổ chức thành viên gồm các đơn vị: Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và ứng dụng tri thức thuốc nam Việt và Công ty Cổ phần IQ Việt Pháp, Công ty Nanô Mẫu Sơn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất một số loại tinh dầu, tinh chất, và điều chế các bài thuốc nam thành dạng dễ bảo quản, sử dụng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và ứng dụng tri thức thuốc nam Việt cùng 2 thầy thuốc trên địa bàn huyện Hữu Lũng (lương y Hoàng Tài, xã Hòa Thắng; lương y Bàn Thị Liều, xã Hữu Liên) tiến hành nghiên cứu, chuẩn hóa 4 bài thuốc gia truyền như: ngâm chân, xoa bóp rượu rễ gió, tắm phục hồi cho phụ nữ sau sinh. Kết quả đã phân loại, chuẩn hóa, thiết kế bao bì, nhãn mác để sản phẩm có thể thương mại được.
Đặc biệt, Hội Đông y phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và ứng dụng tri thức thuốc nam Việt thiết kế, chế tạo 2 thiết bị chiết xuất tinh dầu bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước. Việc tạo ra 2 chiếc máy này chính là tiền đề để chiết xuất các loại tinh dầu của địa phương như hồi, quế, sở, sả, màng tang… góp phần nâng cao giá trị kinh tế cây dược liệu trên địa bàn. Cùng đó, gia công chuỗi dây chuyền nghiền, sàng lọc, đóng gói trà túi lọc từ các bài thuốc gia truyền và cây dược liệu quý của địa phương. Qua đó, giúp người dân sử dụng dễ dàng, tiện lợi.
Công ty Cổ phần IQ Việt Pháp và Công ty Nanô Mẫu Sơn cũng đã ứng dụng công nghệ nanô vào chiết xuất tinh chất từ cây thuốc nam. Công nghệ chiết xuất chọn lọc hoạt chất từ thảo dược đảm bảo hoạt chất được chiết xuất có dược tính cao, giúp cơ thể dễ hấp thu mà không gây ra tác dụng phụ như hoạt chất tổng hợp. Công ty, đã nghiên cứu thành công sản phẩm nanô tinh chất tảo xoắn BLD, tách chiết chất pycocyanin từ tảo xoắn; 11 quy trình chiết xuất các tinh chất từ các loại củ, quả, thảo dược, đông trùng hạ thảo…
Hiện đang tiến hành nghiên cứu phương pháp chưng cất và tách các hợp chất hữu cơ bằng phương pháp CO2 siêu tới hạn. Đây là phương pháp chiết xuất và tách đơn chất, hợp chất mang lại sự đa dạng trong xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị kinh tế. Ngoài ra cũng đang tiến hành nghiên cứu phương pháp nấu cao thực vật bằng công nghệ phổ biến hiện nay thay vì sử dụng phương pháp đun truyền thống.
Có thể thấy, phong trào ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai trong lĩnh vực đông y đã góp phần nâng cao vị thế các cây thuốc, bài thuốc nam. Thời gian tới, Hội Đông y tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất các sản phẩm dược liệu, tinh chế các hoạt chất có hiệu quả cao trong chăm sóc sức khỏe.
Ý kiến ()