Ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển sản xuất
LSO-Phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân vừa là động lực, vừa là mục tiêu của xây dựng nông thôn mới. Ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những nội dung quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất.
Trồng lạc theo kỹ thuật mới được ứng dụng tại xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng |
Với hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ còn nhỏ lẻ và manh mún, huyện Văn Quan được coi là một trong những huyện thuần nông. Nông nghiệp là chủ lực nhưng thực tế trình độ thâm canh, giá trị sản xuất còn rất nhiều hạn chế. Bà La Thị Huyền, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nhà nông, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện quan tâm và thường xuyên chỉ đạo là ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất. Công tác nghiên cứu khoa học cấp huyện được củng cố và đẩy mạnh hoạt động, huyện đã thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ cấp huyện để tư vấn và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống trên địa bàn.
Kết quả là nhiều đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng và chuyển giao một cách có hiệu quả, điển hình như: đề tài cải tạo đàn bò thâm canh vào cộng đồng; xây dựng mô hình trồng gấc lai cao sản; thử nghiệm phân bón tự chế từ cây thảo dược cho lúa tại xã Xuân Mai; phát triển nguồn nguyên liệu chế biến men vi sinh từ cây ký ninh; Đề tài nghiên cứu các chế phẩm từ hồi và các ứng dụng trong nông nghiệp. Ngoài ra huyện còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện một số đề tài khác như: “Xây dựng mô hình cung cấp thông tin khoa học và công nghệ”; “Đề tài nuôi cá tầm tại hồ Suối Mơ, xã Bình Phúc”; “Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hoa hồi”… qua đó góp phần quan trọng làm chuyển biến tư duy sản xuất của nhà nông, nâng cao giá trị sản xuất.
Không chỉ trên địa bàn huyện Văn Quan mà trong những năm qua việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất được quan tâm triển khai trong toàn tỉnh. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Lạng Sơn đã có 36 dự án, đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình như ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ mới vào việc sản xuất các giống ngô lai, lúa lai, đỗ tương, khoai tây sạch bệnh, một số giống hoa chất lượng cao; xây dựng các vườn ươm, xây dựng vườn cây công nghiệp chất lượng cao như cây hồi; xác định quy mô sản xuất và sản xuất thử nghiệm sản phẩm thạch đen; xây dựng các mô hình thâm canh rau sạch và cây ăn quả đặc sản như hồng Bảo Lâm, na Chi Lăng, quýt Bắc Sơn….
Từ đó đã tạo ra phong trào ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Ví dụ điển hình như việc ứng dụng công nghệ vào trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap đã góp phần nâng giá trị sản xuất lên trên 70 triệu đồng/ha, gấp 1,3 lần so với 5 năm trước đó. Việc nhân rộng các mô hình ứng dụng rộng rãi trong toàn ngành nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… đã đưa giá trị sản xuất tăng với tốc độ 2,5%/năm. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Thanh Nhàn cho biết: tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới là chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương tới tỉnh, trong đó việc tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao giá trị sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và sẽ tiếp tục được các cấp, ngành hữu quan phối hợp triển khai thực hiện. Trong đó ưu tiên cho các xã tập trung chỉ đạo điểm giai đoạn 2011-2015.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()