Ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, chất lượng cao
Trong khuôn khổ của Phiên họp giải trình về khoa học – công nghệ trong phát triển nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới (NTM) do Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức sáng 8/4 tại Hà Nội, đa số đại biểu đều thống nhất cao về vai trò quan trọng và sự cần thiết của ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến, hiện đại vào phát triển nông nghiệp hiện nay.
|
Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, tăng hàm lượng KHCN trong sản phẩm nông nghiệp. (Ảnh minh họa: HNV) |
Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, trong suốt thời gian qua, với nhiệm vụ đặc thù, công tác KHCN đã được tổng kết, rút kinh nghiệm qua nghiên cứu và triển khai thực tiễn để tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách phù hợp liên quan tới ứng dụng KHCN trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Có thể nói, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về Nông nghiệp – nông dân và nông thôn đã góp phần đem lại những kết quả bước đầu đáng khích lệ, cơ chế tự chủ của tổ chức KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp được phát huy, nhiều Viện, Trung tâm nghiên cứu có nhiều sản phẩm tốt cho ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng NTM đã đem đến cho ngành nông nghiệp nhiều làn gió mới.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, đã đến lúc phải cẩn trọng hơn trong quy hoạch phát triển nông nghiệp. chuyển từ sự phát triển sang chiều sâu hơn là theo chiều rộng như hiện nay. Thực tiễn cho thấy mặc dù Việt Nam xuất khẩu gạo đem lại gần 3 tỷ USD nhưng giá thành thấp. Do đó, nếu giảm bớt số lượng, tăng chất lượng thì hiệu quả càng cao, lại nâng được sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Mô hình sản xuất theo hộ gia đình nhỏ lẻ trong ngành nông nghiệp suốt thời gian qua có vai trò lịch sử nhất định khi giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh, nhiều mặt hàng vươn lên vị trí hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, cần thiết phải nghiên cứu thấu đáo để nhân rộng các mô hình sản xuất hàng hóa, tập trung, tiên tiến, hiện đại. Và vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu các mô hình có giá trị gia tăng lớn, thống nhất một giống lúa, một chủng loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn với hệ thống sản xuất lúa quy mô công nghiệp, không để thương lái thu mua, chèn ép người nông dân như hiện tại.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa cơ giới hóa nông nghiệp. Việt Nam đang rất có tiềm năng về lĩnh vực này. Với hơn 10 triệu hộ gia đình nông nghiệp, để không duy trì quy mô nhỏ lẻ, cần tăng cường sử dụng máy móc nông nghiệp. Việt Nam hoàn toàn có sự thuận lợi trong vấn đề đầu ra cho máy nông nghiệp với thị trường nội địa rộng lớn, lại không phải chịu sức ép cạnh tranh lớn.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân lưu ý, thực trạng phân bón giả, thuốc trừ sâu giả đã và đang tồn tại gây thiệt hại cho nông dân. Hiện công tác quản lý Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu, tổ chức kiểm nghiệm, kiểm tra đánh giá, thanh tra kiểm soát thị trường.Thêm nữa, lực lượng mỏng, kỹ thuật yếu kém chưa bao quát hết, quy phạm pháp luật còn vướng mắc, khó khăn trong thực thi.
Chỉ ra những bất cập, thách thức của ngành Nông nghiệp hiện nay, một số chuyên gia cho rằng những năm qua, tăng trưởng nông nghiệp không bền vững, tốc độ tăng trưởng suy giảm từ 4% năm 2011 xuống 2,68% năm 2012 và 2,67% năm 2013; giá nông sản giảm mạnh, năng suất thấp, sản xuất không theo định hướng thị trường, số lượng xuất khẩu tăng nhưng giá trị thấp. Hiệu quả đầu tư không cao. Tình trạng chảy máu chất xám ở các Viện nghiên cứu diễn ra trầm trọng. Để ngành Nông nghiệp phát triển hiệu quả, cần tăng cường khâu liên kết, hình thành chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm, biến người nông dân thành công nhân nông nghiệp cũng như củng cố lại cơ sở khoa học xã hội – quản lý và thông tin chính xác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, nông nghiệp thời gian qua phát triển khá toàn diện và mạnh mẽ, dù có khó khăn, hạn chế nhưng nền sản xuất nông nghiệp đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Mặc dù dân số tăng, diện tích sản xuất nông nghiệp giảm, thời tiết khắc nghiệt nhưng sản xuất nông nghiệp trong nước vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phục vụ cho xuất khẩu, nhiều mặt hàng nông nghiệp Việt Nam vươn lên đứng đầu thế giới, có tới 16 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao, có thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản, thủy hải sản tại 160 quốc gia. Tính giá trị kim ngạch xuất khẩu, trong 5 năm (2008 –2013), nông nghiệp đạt 115 tỷ USD, riêng năm 2013 đạt 27,5 tỷ USD, bình quân tăng trưởng 12,5%/năm…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu cần cố gắng quản lý thị trường tốt, bù đắp giá trị cho nông dân, tập trung xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, chất lượng, cạnh tranh, đem lại đời sống tốt đẹp hơn cho nông dân.
Về phần mình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, nông nghiệp nước ta thời gian qua đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, được đánh giá cao, nhiều sản phẩm nông nghiệp trở thành thương hiệu uy tín, xuất khẩu lớn số lượng lớn thế giới. Do đó, tới đây, cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, ứng dụng KHKT đóng góp phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM; Chủ động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về KHCN trong đó có nội dung về nông nghiệp và xây dựng NTM; Đưa KHCN vào nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thực tế thời gian qua bên cạnh vai trò to lớn của các nhà KH, tổ chức KHCN còn phải khẳng định vai trò quan trọng sáng tạo, cần cù của nông dân Việt Nam như sáng kiến thanh long có quả quanh năm (nông dân Bình Thuận), triển khai trồng ngô cho 13 triệu tấn/ha (nông dân Đồng Nai); Phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp;Thực hiện tốt thanh tra, kiểm tra; Huy động ngân hàng vào hỗ trợ vốn; Tăng cường sản xuất hiện đại nâng cao giá trị nông sản; Phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp, chú trọng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung, tối đa hóa sử dụng nguồn lực cơ sở vật chất, con người, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường nghiên cứu khoa học theo hướng tiên tiến; Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông khuyến ngư, đưa ra các chính sách thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, tổ chức tốt liên kết 4 nhà; Hỗ trợ rủi ro, vay vốn ưu đãi, người dân hưởng trực tiếp, chính sách huy động đầu tư từ tư nhân; Xây dựng NTM hiệu quả, làm tiền đề sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn…
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng khẳng định, đó là những công việc khó, phức tạp. Vì thế, bên cạnh nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị liên quan, cần phối hợp chặt chẽ của Bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc của người dân để khơi dậy và phát huy tinh thần lao động sáng tạo, tìm ra các giải pháp để người nông dân được hưởng giàu có và hạnh phúc, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()