Ứng dụng khoa học công nghệ trồng nấm: Nâng chất và lượng
Hiện nay, nghề trồng nấm đã được người dân một số huyện như: Tràng Định, Chi Lăng và thành phố Lạng Sơn duy trì và phát triển. Tuy nhiên, việc sản xuất nấm mới chỉ dừng ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, năng suất, sản lượng không cao, chưa tạo ra lượng nấm thương phẩm ổn định và đảm bảo an toàn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong tỉnh. Trước đây, do tỉnh chưa sản xuất và cung ứng được giống nấm nên người dân phải đặt mua tại những địa phương khác. Vì vậy, chi phí tăng cao và bị động về thời vụ, ảnh hưởng tới năng suất cũng như hiệu quả kinh tế.
Cán bộ Trung tâm ƯDTBKH&CN chăm sóc giống nấm
Dự án “Mô hình sản xuất nấm hàng hóa” của Trung tâm ƯDTBKH&CN sau 2 năm nghiên cứu đã hoàn thành từ năm 2014. Cho đến nay, Trung tâm ƯDTBKH&CN đã tạo ra được giống nấm mới có đặc điểm ưu việt so với giống nấm cũ trên thị trường. Giống nấm đa dạng, có thể trồng được quanh năm, đặc biệt áp dụng khoa học, công nghệ trong khi trồng và chăm sóc sẽ cho nấm thương phẩm sạch và an toàn. Thời gian cho thu hoạch ngắn (45 ngày), đặc biệt giống nấm mới được trồng thử nghiệm tại Trung tâm cho năng suất gấp đôi so với giống nấm cũ.
Hiện nay, Trung tâm đã rà soát được địa điểm nhân rộng mô hình sản xuất nấm hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đó là xã Tri Phương (Tràng Định) và xã Tân Văn (Bình Gia). Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 30% nguyên vật liệu và giống nấm. Bên cạnh đó, các hộ tham gia mô hình còn được chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ cho việc trồng và chăm sóc nấm. Kỹ sư Lương Văn Bé, cán bộ Trung tâm ƯDTBKH&CN – người thực hiện mô hình cho biết: qua nghiên cứu ứng dụng KHCN Trung tâm đã nhân được nhiều loại giống nấm có chất lượng. Cùng với việc cung cấp giống nấm cho bà con, khi chuyển giao, Trung tâm hướng dẫn cách chăm sóc nấm theo phương pháp khoa học mới. Cụ thể như cách tận dụng những nguồn nguyên liệu, phế phẩm nông nghiệp, cách giữ ẩm, nhiệt độ cho nấm. Theo đó, nhân rộng mô hình sản xuất nấm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đảm bảo nấm an toàn đã bước đầu được Trung tâm ƯDTBKH&CN thực hiện. Thực tế, tại Trung tâm đã trồng giống nấm mới thử nghiệm theo phương pháp áp dụng khoa học, công nghệ đã gặt hái được những thành công ban đầu. Hiện nay, với 1 kg giống đã sản xuất ra được 12 kg nấm thương phẩm. Với giá thị trường hiện nay, 1 kg nấm dao động từ 25 – 40.000 đồng/kg, thì 1 vụ nấm, đầu tư trồng 100 – 200 túi giống, khả năng cho thu hoạch từ 25 – 30 triệu đồng/vụ.
Hiệu quả đã rõ nhưng muốn sản phẩm nấm trở thành hàng hóa có giá trị trên thị trường cần phải liên kết giữa sản xuất và chế biến. Muốn vậy, cần có sự tác động của khoa học, kỹ thuật, đổi mới quy trình, từng bước cơ giới hóa các công đoạn sản xuất và nhất là phải có khâu liên kết đưa sản phẩm nấm trở thành hàng hóa lưu thông trên thị trường. Việc nhân rộng mô hình sản xuất nấm hàng hóa có tầm chiến lược trong việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh và sự phát triển bền vững.
Theo ông Chu Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm ƯDTBKH&CN, để nấm sớm trở thành hàng hóa, không có con đường nào khác ngoài việc xây dựng chuỗi công nghệ kỹ thuật, quy trình sản xuất khép kín… từng bước đưa sản phẩm nấm đến với thị trường tiêu thụ lớn trong và ngoài tỉnh.
Ý kiến ()