Ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi: Tạo hướng phát triển bền vững
– Thời gian qua, ngoài sự chủ động của người chăn nuôi, các cơ quan, đơn vị đã tích cực hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo hướng phát triển bền vững.
Hợp tác xã (HTX) Thành Lộc, thôn Nà Vàng, xã Thống Nhất (huyện Lộc Bình) là HTX điển hình áp dụng KHCN sản xuất thành công giống gà 6 ngón Mẫu Sơn từ phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT). Ông Lý Minh Hiếu, Giám đốc HTX cho biết: Sau khi tìm hiểu các tài liệu trên mạng internet và đi đến các trang trại gia cầm từ Bắc vào Nam để học tập kinh nghiệm, tháng 7/2021, HTX đã hoàn thiện quy trình sản xuất giống gà 6 ngón bằng kỹ thuật TTNT. Theo đó, HTX thiết kế các khu nhà nuôi gà sinh sản, gà hậu bị, khu ấp trứng, nhà úm gà riêng biệt. Sau khi tiến hành TTNT, trứng gà được bảo quản trong nhà lạnh, phun khử trùng để cho vào máy ấp trứng, máy nở. Sau khi gà được 1 ngày tuổi, HTX tiêm vắc xin phòng bệnh.
Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học tại xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng
Hiện HTX gây nuôi 4.000 gà bố mẹ để tạo gà giống đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ phương pháp này, giúp HTX sản xuất con giống chất lượng cao, duy trì nguồn gen giống gà quý. Nhờ đó, trung bình mỗi tháng, HTX xuất ra thị trường trên 10.000 con gà giống.
Ngoài sự chủ động của người dân, những năm qua, các ngành, đơn vị cũng hỗ trợ chuyển giao KHCN cho người dân. Điển hình, trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với UBND xã Bắc La, huyện Văn Lãng thực hiện chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cá lăng cho người dân trên địa bàn.
Bà Hoàng Thị Xâm, thôn Hát Lốc, xã Bắc La cho biết: Trước đây, gia đình chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh, chưa biết áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi cá lồng, dẫn đến tỷ lệ cá sống thấp, ảnh hưởng đến sản lượng. Năm 2021, tôi tham gia mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi cá lăng do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện và được hỗ trợ gần 300 con cá lăng giống. Tham gia mô hình, tôi được cán bộ trung tâm tập huấn kỹ thuật làm lồng, vị trí đặt lồng, cách ghi chép quá trình chăn nuôi để theo dõi phòng bệnh… Qua đó, tỷ lệ cá sống đạt 100%, đàn cá sinh trưởng nhanh, sau hơn 1 năm, trọng lượng đạt từ 1,3 đến 2,5 kg/con, ước tổng sản lượng đạt 4 tạ, giá trị đạt trên 40 triệu đồng. Vụ tới, gia đình dự kiến tiếp tục đầu tư thêm lồng phát triển nuôi cá lăng nhằm tăng thêm thu nhập.
Trên đây chỉ là hai trong nhiều mô hình ứng dụng KHCN vào chăn nuôi có hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các mô hình ứng dụng KHCN trong chăn nuôi được triển khai thực hiện như: chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thương phẩm, chăn nuôi gà theo quy trình khép kín, áp dụng đệm lót sinh học, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi thuỷ sản, đặc biệt là cá đặc sản giá trị cao (cá lăng, cá tầm, cá bỗng, cá hồi)…
Để người dân ứng dụng KHCN vào chăn nuôi, hướng tới mở rộng mô hình, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện các mô hình đưa tiến bộ khoa học đến với người dân. Ông Lý Văn Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Hằng năm, chúng tôi đều xây dựng các mô hình điểm về ứng dụng KHCN trong chăn nuôi cho bà con. Riêng từ năm 2020 đến nay, trung tâm đã thực hiện 8 mô hình ứng dụng KHCN trong chăn nuôi: mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học (Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Lãng), mô hình nuôi bò năng suất cao (Chi Lăng, Bình Gia), mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT (Bắc Sơn, Văn Quan)… Qua triển khai các mô hình, tỷ lệ sống của đàn vật nuôi cao (trên 96%), hầu như không có dịch bệnh, năng suất tăng 10 đến 15%. Đặc biệt, đây là hình thức đưa các tiến bộ KHCN trong chăn nuôi đến với người dân, giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, góp phần tăng năng suất đàn vật nuôi.
Cùng đó, việc triển khai các nhiệm vụ KHCN phát triển chăn nuôi cũng được Sở Khoa học và Công nghệ tích cực thực hiện. Từ năm 2012 đến nay, sở đã triển khai 16 đề tài, dự án ứng dụng KHCN trong chăn nuôi, tổng kinh phí hỗ trợ trên 11,8 tỷ đồng và thực hiện nhân rộng được 78 mô hình. Trong đó, một số mô hình điển hình được người dân áp dụng vào thực tế như: mô hình gà lai VCN-G15 hướng trứng thương phẩm; ứng dụng công nghệ vi sinh xây dựng mô hình đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; mô hình chăn nuôi gà ri lai theo hướng an toàn sinh học…
Theo đánh giá của các ngành, đơn vị trực tiếp chuyển giao KHCN trong chăn nuôi cho người dân, việc áp dụng KHCN tại các mô hình chăn nuôi đã đem lại hiệu quả cao hơn so với chăn nuôi truyền thống. Cụ thể, môi trường nuôi an toàn, vật nuôi khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, ít dịch bệnh, giảm bớt sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi như: đối với chăn nuôi gà an toàn sinh học tỷ lệ gia cầm sống trên 96%; mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo mức tăng trọng lượng bình quân đạt 738,6 gam/con/ngày, mô hình TTNT bò trọng lượng bê con sinh ra tăng khoảng 10 kg so với bê thông thường… Từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị đàn vật nuôi, góp phần chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi theo hướng bền vững.
Thời gian tới, ngoài sự chủ động của người chăn nuôi, các ngành chức năng và đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao KHCN trong chăn nuôi, hướng dẫn người dân áp dụng và mở rộng các mô hình, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi nhằm xây dựng chuỗi liên kết giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Ý kiến ()