Ứng dụng khoa học - công nghệ gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Nông dân thành phố Lạng Sơn tham quan mô hình trồng dưa thơm trong nhà lưới tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh |
Trong những năm qua, Sở KH&CN và các cấp, ngành liên quan trong tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất, chăm sóc, chế biến, bảo quản, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Các đề tài, nghiên cứu phần lớn tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT). Cụ thể, năm 2015, toàn tỉnh triển khai thực hiện 42 đề tài, dự án, có 19 đề tài về lĩnh vực NN&PTNT, chiếm 45%; năm 2016 có 14/29 đề tài được triển khai về lĩnh vực NN&PTNT, chiếm 48%.
Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Từ năm 2012 đến nay, riêng Sở NN&PTNT đã phối hợp với các đơn vị thực hiện được 13 đề tài, dự án tập trung vào ứng dụng KH&CN trong các lĩnh vực gắn với người nông dân và thực hiện nhiệm vụ chuyển giao KH&CN vào mục tiêu XDNMT. Một số đề tài, dự án đã và đang được nông dân ứng dụng như: nuôi bò lai Sind, chuyển giao kỹ thuật vỗ béo đàn bò, nuôi lợn nái Móng Cái, chăn nuôi gà an toàn sinh học, phòng trừ bọ ánh kim trên cây hồi, phòng trừ sâu hại thông, chuyển giao kỹ thuật gieo thẳng lúa bằng giàn sạ kéo tay, trồng lạc phủ nilon…
Ở cấp huyện, Chi Lăng là một trong những huyện thực hiện tốt việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào hoạt động sản xuất nông nghiệp và XDNTM. Các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã từng bước tiếp cận và áp dụng KH&CN vào trồng, chăm sóc, bảo quản với một số cây nông nghiệp như na và các loại cây có múi. Huyện còn tích cực quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Bà Đinh Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên địa bàn huyện đã triển khai, xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đối với 95 ha na, 100 ha bưởi Diễn. Trong năm 2017, huyện đang triển khai thực hiện mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap đối với 5 ha na tại xã Chi Lăng; đẩy mạnh việc cấp nhãn hiệu chứng nhận cho những cơ sở sản xuất na đạt tiêu chuẩn; tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm cao khô Vạn Linh.
Nhằm tăng cường nghiên cứu, ứng dụng KH & CN với lĩnh vực NN & PTNT, XDNTM, Sở KH & CN đang tích cực tuyên truyền cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh trong ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã tuyên truyền các văn bản, cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất, cụ thể là Quyết định 41/2016/QĐ-UBND ngày 9/9/2016 của UBND tỉnh về “Ban hành quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ áp dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” tại một số xã trong tỉnh và trên trang thông tin điện tử, bản tin KH&CN. Trong tháng 7/2017, sở phối hợp thực hiện khảo sát nhu cầu ứng dụng tiến bộ KH&CN đối với người dân tại 10 xã khó khăn và xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2017 thuộc 5 huyện: Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan, Đình Lập. Qua khảo sát, người dân có nhu cầu được triển khai thực hiện các giống cây trồng, vật nuôi như: thâm canh lạc cao sản, nuôi gà 6 ngón Mẫu Sơn, nuôi lợn nái Móng Cái, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi…
Ông Trần Hữu Đắc, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Sau khi tìm hiểu nhu cầu của người dân, sở sẽ tổng hợp và lựa chọn, triển khai các mô hình, dự án KH&CN có thể ứng dụng hiệu quả, phù hợp với người dân trong thời gian tới. Ngoài ra, đơn vị sẽ tăng cường định hướng, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh nghiên cứu các đề tài liên quan đến phát triển nông nghiệp, phù hợp với chương trình XDNTM nhằm thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, XDNTM trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()