Ứng dụng khoa học công nghệ cho sự phát triển bền vững của vùng Tây Bắc
Ngày 3/4, tại Tuyên Quang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Kết nối nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý về nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ để phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.
Ngày 3/4, tại Tuyên Quang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Kết nối nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý về nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ để phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: VT) |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Quang Thu, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết, vùng Tây Bắc là địa bàn chiến lược trọng điểm, là nơi sinh sống của hơn 11,6 triệu dân, trong đó trên 63% là đồng bào dân tốc ít người. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một chương trình nghiên cứu tổng thể toàn diện về vùng Tây Bắc với tầm nhìn chiến lược mang tính đột phá, tiếp cận và giải quyết các vấn đề của vùng một cách bền vững, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Do đó, theo ông Bùi Quang Thu, việc trao đổi, thảo luận giữa các nhà quản lý địa phương và Trung ương với các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp và cộng đồng địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của vùng Tây Bắc.
Tại hội thảo, ông Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng việc đề xuất ra được định hướng quy hoạch, mô hình và các giải pháp khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và cơ chế chính sách sẽ góp phần phục vụ sự phát triển bền vững của vùng Tây Bắc. Qua đó, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của các đồng bào dân tộc, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Cũng theo ông Nhạ, các mục tiêu cụ thể trong thời gian tới cần ưu tiên xây dựng các quy hoạch tổng thể vùng, ngành, liên ngành phát triển bền vững trong mối liên hệ với khu vực trong nước và quốc tế. Cùng với đó, xây dựng các mô hình mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên và chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Bên cạnh việc chuyển giao khoa học và công nghệ, cần chú trọng tới phát triển nguồn nhân lực, xây dựng các cơ chế chính sách quản lý bền vững theo các mô hình và quy hoạch.
Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu văn hóa, GS. Vũ Minh Giang đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội lại cho rằng, việc phát triển bền vững vùng Tây Bắc cần phải được thực hiện trong một thời gian dài. Thông qua việc lượng định giá trị và khả năng khai thác các di tích lịch sử, văn hóa cần tích hợp các mô hình phát triển kinh tế với an sinh xã hội, kết hợp giữa giáo dục truyền thống và quảng bá hình ảnh. Cũng theo GS. Vũ Minh Giang, việc đánh giá thực trạng và khả năng khai thác tiềm năng con người, tài nguyên văn hóa của vùng Tây Bắc có một ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá và dự báo những chhuyển biến của xã hội do tác động của kinh tế biên mậu.
Tại hội thảo, hầu hết tham luận của những nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhà khoa học đều nhất trí việc tập trung đầu tư cho Tây Bắc là một chủ trương sáng suốt, thể hiện tầm nhìn xa của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong đó, sự gắn kết giữa các “nhà” là nền tảng vững chắc cho sự thành công của chương trình.
Dangcongsan
Ý kiến ()