Ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản sản phẩm: Góp phần nâng cao giá trị nông sản
- Cùng với ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, những năm gần đây các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến việc chế biến, bảo quản các loại nông sản. Đây là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.
Lạng Sơn có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng, nhưng chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, giá thành chưa cao, sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Nhận thấy việc bảo quản, sơ chế, chế biến các sản phẩm nông sản là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị, tạo ra những sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, một số doanh nghiệp, HTX trên địa tỉnh đã chú trọng đầu tư máy móc để bảo quản, chế biến nông sản.
Điển hình như Công ty TNHH MTV Ocean line, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc đã liên kết với người dân bao tiêu quả sở để sản xuất tinh dầu. Ông Vũ Quang Dự, Giám đốc công ty cho biết: Diện tích trồng sở trên địa bàn tỉnh khá lớn, song những năm gần đây, người trồng sở gặp khó khăn về đầu ra. Với mong muốn giúp bà con nông dân trên địa bàn tỉnh tiêu thụ sản phẩm quả sở, đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm dầu sở của địa phương, năm 2021, công ty đã xây dựng cơ sở chế biến và thu mua quả sở, hạt sở để sản xuất tinh dầu sở.
Theo đó, công ty đã đầu tư hệ thống máy ép với kinh phí gần 10 tỷ đồng, công suất chế biến từ 1.500 - 2.000 tấn hạt sở/năm. Tất cả các công đoạn từ sấy, nghiền hạt sở đến chiết xuất dầu đều thực hiện bằng máy móc. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất và xuất bán khoảng 200 tấn dầu sở. Hiện nay, sản phẩm của công ty không chỉ được tiêu thụ ở trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động tại địa phương.
HTX nông sản Toàn Thương, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cũng là một ví dụ điển hình. Bà Vương Thị Thương, Giám đốc HTX cho biết: Năm 2021, tôi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tạo điều kiện tham gia chuyến học tập kinh nghiệm về sản xuất hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Sau lần học tập đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và vay vốn ưu đãi, tôi đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng và kho lạnh bảo quản sản phẩm. Theo đó, các khu được trang bị máy móc để chế biến hồng treo gió như máy gọt vỏ, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, máy hút chân không... để chế biến, bảo quản hồng treo gió.
Sản phẩm sản xuất ra ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường mở rộng. Từ năm 2022 đến nay, HTX đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 12 tấn hồng vành khuyên treo gió, doanh thu đạt khoảng 6 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 8 phụ nữ trên địa bàn với mức thu nhập từ 6 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến năm 2024, sản lượng hồng treo gió đạt khoảng 40 tấn.
Trên đây là 2 đơn vị điển hình mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc chế biến sản phẩm từ nông sản trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu của Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có 152 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản thuộc sở và các huyện, thành phố quản lý. Trong đó, ngoài 2 cơ sở trên, một số cơ sở cũng đã chủ động đầu tư máy móc để sơ chế, chế biến, bảo quản các loại nông sản như: Công ty Cổ phần Macca Sachi Lạng Sơn (thành phố Lạng Sơn) chế biến sản phẩm mắc ca; Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý (huyện Tràng Định) chế biến bột thạch đen; Công ty Cổ phần Chè Thái Bình (huyện Đình Lập) chế biến các loại chè...
Bên cạnh sự chủ động của các doanh nghiệp, HTX, thời gian qua, thông qua các chương trình, đề án, Nhà nước đã hỗ trợ hệ thống máy móc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX phát triển lĩnh vực này. Cụ thể, thông qua chương trình khuyến công, từ năm 2022 đến nay, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lạng Sơn đã thực hiện 7 đề án hỗ trợ máy móc chế biến, sản xuất các sản phẩm nông, lâm nghiệp cho các hộ kinh doanh, HTX với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Qua đó, tạo động lực để các HTX, hộ kinh doanh phát triển hoạt động chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ, đưa máy móc vào chế biến, bảo quản một số nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn khẳng định được thương hiệu, chiếm vị thế trên thị trường và được xuất khẩu sang thị trường quốc tế như: sản phẩm chè, tinh dầu hồi...
Ông Hoàng Phúc Thắng, Giám đốc HTX nông trang sinh thái Mẫu Sơn, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình cho biết: Năm 2020, HTX nông trang sinh thái Mẫu Sơn thành lập, tôi đã cùng các thành viên HTX tìm tòi, nghiên cứu chế biến sản phẩm ô mai chanh rừng từ quả chanh rừng tươi. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ không những được mở rộng mà sản phẩm có giá trị cao hơn so với khi chưa chế biến. Nếu như đối với quả chanh rừng tươi có giá khoảng 50 nghìn đồng/kg, thì sau khi chế biến sản phẩm ô mai chanh rừng có giá trên 100 nghìn đồng/kg.
Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động đầu tư máy móc, thiết bị để sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm nông sản, từ đó sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn, đa dạng về mẫu mã, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các cơ sở sản xuất và tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chế biến, thời gian tới, sở tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ hình thành các chuỗi sản xuất an toàn, áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến vào sản xuất như: sản xuất hữu cơ, áp dụng các công nghệ vào chế biến sâu, bảo quản sản phẩm... Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu nông sản, phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP, nông đặc sản địa phương; hỗ trợ về đầu tư công nghệ, xây dựng bao bì, tem nhãn sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX, từ đó hướng đến hình thành các vùng sản xuất ổn định bền vững.
Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản sản phẩm không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe người tiêu dùng. Đầu tư công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh duy trì, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ý kiến ()