LSO- Cây chè Shan tuyết có ở vùng núi Mẫu Sơn lâu đời. Tuy nhiên, do kinh nghiệm sản xuất, chế biến, bảo quản của bà con nông dân còn hạn chế; nương chè không được chăm sóc, thu hái thường xuyên nên chè Shan dần bị lãng quên.... Trước thực tế đó, dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) xây dựng mô hình sản xuất, chế biến chè Shan” do Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) phối hợp với một số cơ quan triển khai thành công đã mở ra một hướng đi mới cho cây chè Shan Mẫu Sơn. Cán bộ Sở KHCN tham quan rừng chè Shan tuyết Mẫu SơnVới độ cao trên 1000m so với mực nước biển, vùng núi Mẫu Sơn (bao gồm xã Công Sơn, huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình) có điều kiện tự nhiên rất thích hợp cho chè Shan tuyết sinh trưởng và phát triển. Theo ông Đặng Tăng Phúc-Nguyên Trưởng Ban Định canh-Định cư tỉnh thì năm 1977, Lạng Sơn đã tiến hành điều tra về chè ở Mẫu Sơn. Kết quả cho thấy khu vực này có trên 600 hộ...
LSO- Cây chè Shan tuyết có ở vùng núi Mẫu Sơn lâu đời. Tuy nhiên, do kinh nghiệm sản xuất, chế biến, bảo quản của bà con nông dân còn hạn chế; nương chè không được chăm sóc, thu hái thường xuyên nên chè Shan dần bị lãng quên…. Trước thực tế đó, dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) xây dựng mô hình sản xuất, chế biến chè Shan” do Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) phối hợp với một số cơ quan triển khai thành công đã mở ra một hướng đi mới cho cây chè Shan Mẫu Sơn.
Cán bộ Sở KHCN tham quan rừng chè Shan tuyết Mẫu Sơn
Với độ cao trên 1000m so với mực nước biển, vùng núi Mẫu Sơn (bao gồm xã Công Sơn, huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình) có điều kiện tự nhiên rất thích hợp cho chè Shan tuyết sinh trưởng và phát triển. Theo ông Đặng Tăng Phúc-Nguyên Trưởng Ban Định canh-Định cư tỉnh thì năm 1977, Lạng Sơn đã tiến hành điều tra về chè ở Mẫu Sơn. Kết quả cho thấy khu vực này có trên 600 hộ người Dao có chè Shan tuyết với diện tích khoảng 180ha. Còn theo điều tra khảo sát năm 2005 của Viện ứng dụng công nghệ, Bộ KHCN, chè ở khu vực Mẫu Sơn hầu hết mọc tự nhiên, chủ yếu là dạng chè Shan tuyết và dạng trung gian giữa Shan tuyết với các biến chủng chè Trung Quốc lá to. Chè Shan Mẫu Sơn có dạng thân gỗ lớn, phân cành thưa, lá to, dài, răng cưa đều, sâu, búp có nhiều lông tuyết, khả năng sinh trưởng mạnh, có tiềm năng cho năng suất cao, chất lượng tốt. Kết quả chế biến thử chè xanh cho thấy sản phẩm chè Shan tuyết Mẫu Sơn có chất lượng tương đương với chè Tà Sùa-Lào Cai và Suối Giàng-Yên Bái, được chuyên gia Hiệp hội chè Việt Nam đánh giá cao.
Xuất phát từ thực trạng phát triển cây chè Shan tuyết và nguyện vọng của đồng bào dân tộc ở khu vực Mẫu Sơn, năm 2006, Sở KHCN phối hợp với Trung tâm Sinh học thực nghiệm-Viện Ứng dụng công nghệ thuộc Bộ KHCN đã triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ KHKT xây dựng mô hình sản xuất, chế biến chè Shan ở Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn”. Ngay khi bắt đầu triển khai, dự án đã được chính quyền, nhân dân các xã Công Sơn, Mẫu Sơn đón nhận và tích cực tham gia. Trong thời gian thực hiện dự án, đã có 162 lượt người dân được tập huấn KHKT trồng, chăm sóc và chế biến chè; dự án đã tổ chức được một cuộc hội thảo về phát triển cây chè Shan tại Mẫu Sơn và nâng cao thương hiệu chè Shan đặc sản của vùng; tổ chức cho 30 nông dân tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất chè tại Thái Nguyên.
Đặc biệt, sau 30 tháng triển khai dự án, các cơ quan thực hiện đã nghiên cứu và tuyển chọn được 100 cây chè ưu tú có năng suất cao, chất lượng tốt. Qua đó tuyển chọn 20 cây đủ tiêu chuẩn làm cơ sở để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cây chè Shan đầu dòng phục vụ nhân giống và cung cấp cho vùng; đã xây dựng được 1 mô hình vườn nhân giống với quy mô 2 vạn cây. Đồng thời xây dựng được 1 vườn giống gốc quy mô 1ha tại hộ anh Dương Gì Châm, thôn Pắc Đay, xã Công Sơn, sau 1 năm trồng, tỷ lệ cây sống đạt 90%, chiều cao cây đạt 60cm, đường kính gốc 0,7cm, số lá trung bình đạt 18 lá/cây. Cùng với đó, dự án đã xây dựng mô hình cải tạo rừng chè Shan tự nhiên thành rừng chè cho thu hoạch thường xuyên với quy mô 6ha. Mô hình có sự tham gia của 35 hộ gia đình thuộc các thôn: Ngàn Pặc, Pắc Đay và Thán Dìu (xã Công Sơn). Gia đình ông Dương Dảo Học, thôn Ngàn Pặc – một trong những hộ thực hiện cải tạo rừng chè cho biết: trước khi triển khai mô hình, hầu như bà con trong bản không có thu nhập từ cây chè mà chỉ hái rồi sao chè để uống. Sau khi cải tạo rừng chè, gia đình ông đã thu hái và bán được 40kg chè tươi/ngày. Từ hiệu quả này, mô hình hiện đang tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn dự án. Không dừng lại ở đó, các cơ quan thực hiện dự án còn phối hợp với Công ty TNHH Tạ Phúc xây dựng mô hình chế biến chè xanh an toàn với công suất 500kg búp tươi mỗi ngày. Xưởng chế biến chè được đặt tại lối lên Khu du lịch Mẫu Sơn và đường vào thôn Khuổi Cấp. Từ đây, chè nguyên liệu của người dân trong vùng đã được thu mua và chế biến chè Shan thành phẩm có chất lượng tốt, được thị trường chấp nhận và được các chuyên gia đánh giá cao.
Ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chế biến chè Shan đã mở ra hướng sản xuất hàng hóa cho đồng bào vùng núi Mẫu Sơn. Tuy nhiên, do nhận thức của đồng bào vùng núi cao chưa đồng đều nên các cấp, ngành cần có chính sách hỗ trợ để cây chè Shan thực sự trở thành cây xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào nơi đây. Sự đầu tư đó cũng sẽ góp phần vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững khu du lịch Mẫu Sơn.
Bảo Vy
Ý kiến ()