Ứng dụng KHCN vào sản xuất tại Lạng Sơn: Trăn trở của nhà khoa học
LSO-Trong những năm qua, nhiều đề tài, dự án đã được Sở KH&CN Lạng Sơn nghiên cứu, thử nghiệm thành công nhưng lại gặp khó trong khâu chuyển giao và nhân rộng.
LSO-Trong những năm qua, nhiều đề tài, dự án đã được Sở KH&CN Lạng Sơn nghiên cứu, thử nghiệm thành công nhưng lại gặp khó trong khâu chuyển giao và nhân rộng. Những dự án cho hiệu quả kinh tế cao như: cải tạo rừng hồi, trồng hoa lan – hoa ly, phát triển nho Tảo Hồng – Cự Phong, nuôi cá rô phi thương phẩm… đều gặp khó khăn khi ra khỏi phòng nghiệm để bước vào thực tế đời sống.
Dự án phát triển hoa ly hiện vẫn chỉ thành công ở Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN mà chưa nhân rộng được ra thực tế |
Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra, nhưng chủ yếu vẫn là do người dân còn nghèo không đủ kinh phí để thực hiện dự án mặc dù biết lợi ích của nó hoặc ỷ lại vào sự hỗ trợ của các dự án. Chị Hoàng Thị Đại, thôn Bắc Đông, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: những năm trước, gia đình tôi trồng 2,5ha rau an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN chuyển giao, được hỗ trợ 60% giống và vốn nên trồng có lãi, nhiều hộ gia đình xunh quanh cũng làm theo. Nhưng khi dự án hết, người dân không được hỗ trợ nữa thì phần lớn đều giảm diện tích xuống, chuyển sang trồng lúa hoặc trồng ớt xuất khẩu theo một dự án của VECO tài trợ.
Các dự án như: trồng hoa ly, hoa lan cũng vậy, mặc dù thử nghiệm thành công tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN nhưng khi muốn nhân rộng ra thì phần lớn bà con đều từ chối vì sẽ phải đầu tư kinh phí lớn cho việc làm nhà lưới, nhà kính, mua giống và phân bón, kỹ thuật trồng đòi hỏi công chăm sóc cao… Từ đó, ý tưởng giúp người nông dân có cây trồng mới đạt hiệu quả kinh tế cao để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển lên để quy hoạch vùng chuyên canh về trồng hoa của Sở KH&CN đành gác lại. Trao đổi về vấn đề này, tiến sỹ Lương Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn cho biết: cuộc sống của bà con nông dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, vì vậy, để có thể triển khai những đề tài, dự án phát triển khoa học trong sản xuất thì sự đơn lẻ của người nông dân sẽ khó có thể thực hiện thành công và nhân rộng các mô hình. Để các mô hình sản xuất sau thời gian thực nghiệm có thể triển khai thành công trong thực tế thì rất cần sự vào cuộc, đồng hành của những tổ chức, doanh nghiệp tâm huyết. Những doanh nghiệp này có thể hỗ trợ người nông dân, sau đó bao tiêu sản phẩm. Đây mới chính là hướng đi mà chúng ta thường gọi là liên kết 4 nhà.
Theo tiến sỹ Ninh, tỉnh Lạng Sơn mới chỉ có một doanh nghiệp KHCN là Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc khi chủ động nộp hồ sơ xin chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN và được Sở cấp giầy chứng nhận vào tháng 6/2012. Hoạt động chính của doanh nghiệp KH&CN là thực hiện sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và thực hiện các nhiệm vụ khoa KH&CN. Nếu như các doanh nghiệp khác trên địa bàn dám mạnh dạn đi theo hướng này thì chắc chắn những dự án khoa học sẽ có sức sống mạnh mẽ trong thực tế vì mục đích của việc triển khai ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh chính là nhằm đẩy mạnh thương mại hoá các sản phẩm hàng hoá – kết quả của hoạt động KH&CN, góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Cho đến nay, mặc dù là tỉnh có nhiều cửa khẩu, có quan hệ buôn bán với Trung Quốc sôi động nhưng Lạng Sơn hầu như chỉ làm nhiệm vụ trung chuyển sản phẩm các tỉnh khác mang đến xuất khẩu và nhập khẩu lại các sản phẩm từ Trung Quốc. Những sản phẩm của Lạng Sơn tự làm ra được xuất sang Trung Quốc rất ít và hầu như không có, nhất là các sản phẩm được áp dụng tiến bộ KH&CN, đủ chất lượng để xuất sang nước bạn.
Trong năm 2012, Sở KH&CN Lạng Sơn đã tổ chức triển khai 60 đề tài, dự án chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, chăn nuôi – thuỷ sản. Năm 2013 dự kiến sẽ hoàn thành hơn 20 đề tài, dự án nữa. Tuy nhiên, nhiều mô hình thí điểm thành công nhưng người dân không tha thiết, chỉ qua một thời gian ngắn đã bị lãng quên. Vì vậy, để các dự án KH&CN không chỉ thành công trong thí nghiệm mà còn thực sự thành công trên ruộng đất của nông dân, ngành KH&CN Lạng Sơn cần phải xác định đúng nhu cầu của người nông dân, nắm bắt nhu cầu và đề xuất của người dân cũng như lợi thế của từng địa phương, qua đó hình thành và lựa chọn các tiến bộ KH&CN để chuyển giao, xây dựng kế hoạch trước khi nghiên cứu, có như vậy, các mô hình KH&CN mới thật sự đi vào cuộc sống.
Mới đây nhất, Sở KH&CN đã phối hợp với ngành nông nghiệp, Công ty Giống cây trồng nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng thành công giống lúa lai LS1, là sản phẩm hợp tác giữa một công ty của Trung Quốc với Công ty TNHH Nông nghiệp Liên Sơn (Lạng Sơn) cùng mô hình trồng ngô giống mới trên ruộng cạn. Đến nay nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã sử dụng giống lúa LS1 làm giống cây chính cho mùa vụ của mình. Hy vọng, không chỉ dự án này mà các dự án khác cũng sẽ thành công trong thực tế như vậy.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()