Ứng dụng hiệu quả các đề tài, sáng kiến trong thực tiễn: Cách làm của Tòa án Nhân dân tỉnh
– Những năm qua, TAND tỉnh luôn quan tâm phát động phong trào thi đua chuyên đề “Thực hiện đề tài, sáng kiến đạt chất lượng cao – Ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác” được đội ngũ cán bộ, thẩm phán tích cực hưởng ứng. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Xuất phát từ những vướng mắc trong giải quyết, xét xử các vụ án tranh chấp về thừa kế như: thời gian mở thừa kế đã lâu, khó xác định thời hiệu thừa kế, người thừa kế; di sản biến động qua các thời kỳ gây khó khăn cho việc thu thập tài liệu chứng cứ, khó xác minh… Năm 2022, nhóm tác giả (công chức) của TAND huyện Văn Quan đã lựa chọn xây dựng đề tài “Kỹ năng giải quyết các vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản”.
Các thành viên nhóm đề tài “Nâng cao chất lượng công tác hành chính tư pháp thông qua triển khai thực hiện phần mềm quản lý Tòa án” nghiên cứu các tài liệu liên quan
Chị Nông Thị Mỹ Phước, Thẩm phán TAND huyện Văn Quan cho biết: Trên cơ sở phân tích nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải quyết các vụ án tranh chấp thừa kế về tài sản bị kéo dài, còn bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, chúng tôi đã nghiên cứu dựa trên các vụ án trong thời gian qua và hệ thống lại quy trình giải quyết, kỹ năng thu thập và đánh giá chứng cứ, phạm vi tài liệu chứng cứ cần thu thập, kỹ năng viết bản án về thừa kế… nhằm giải quyết những vướng mắc này.
Sau khi hoàn thành, đề tài được ứng dụng tại đơn vị đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết các vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản còn từ 3 đến dưới 6 tháng (trước đây hầu hết đều trên 6 tháng), chất lượng xét xử nâng lên, cả 3/3 vụ đều không bị hủy, sửa. Đề tài được Hội đồng khoa học – Sáng kiến TAND tỉnh thẩm định đạt chất lượng cao và ứng dụng rộng rãi trong quá trình xét xử của TAND hai cấp trong tỉnh.
Không chỉ đề tài trên, từ năm 2017 đến nay, các đơn vị TAND hai cấp trong tỉnh đã thực hiện trên 130 đề tài, sáng kiến; trong đó có gần 90 đề tài, sáng kiến đạt chất lượng cao (đạt 69%) và được ứng dụng trong thực tiễn công tác của TAND hai cấp của tỉnh. Theo đó, trung bình mỗi năm, tỷ lệ đề tài, sáng kiến đạt chất lượng cao trong tổng số các đề tài được xây dựng là trên 60%, tăng 6% so với từ năm 2017 trở về trước.
Bà Chu Lệ Hường, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Việc viết đề tài, sáng kiến được TAND tỉnh triển khai trong hệ thống TAND hai cấp từ năm 2015. Để các đề tài, sáng kiến có chất lượng được ứng dụng hiệu quả trong công việc, từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã định hướng rõ đề tài, sáng kiến cần xuất phát từ thực tiễn, xây dựng để phục vụ cho việc nâng cao chất lượng công tác. Đồng thời, chúng tôi tiến hành đổi mới cách triển khai đề tài, sáng kiến và đưa nội dung “tính thực tiễn, khả năng ứng dụng cao trong công tác” là một trong những tiêu chí khi thẩm định các đề tài, sáng kiến.
Theo đó, hằng năm, TAND tỉnh đều phát động phong trào thi đua chuyên đề “Thực hiện đề tài, sáng kiến đạt chất lượng cao – Ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác” và được 100% đơn vị TAND hai cấp trong tỉnh hưởng ứng. Mỗi đơn vị đều xây dựng từ 2 đề tài, sáng kiến trở lên/năm, trong đó nội dung chủ yếu là các giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn; tháo gỡ khó khăn trong các mặt công tác; giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ mới được TAND tối cao giao cho hệ thống TAND.
Ngoài ra, để đề tài, sáng kiến, được xây dựng toàn diện hơn, thay vì giao cụ thể từng cá nhân phụ trách như trước, từ năm 2017 đến nay, các đơn vị đã thành lập các nhóm đề tài với 3 người trở lên/nhóm, hầu hết các nhóm có sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị. Đồng thời, TAND tỉnh còn tổ chức các hoạt động như tọa đàm trực tiếp hoặc trực tuyến giữa Hội đồng Khoa học – Sáng kiến TAND tỉnh với từng nhóm đề tài để góp ý, bổ sung hoàn thiện.
Ông Dương Xuân Tĩnh, Chánh án TAND thành phố Lạng Sơn cho biết: Chú trọng tính ứng dụng vào thực tiễn, những năm qua, các đề tài, sáng kiến của đơn vị đều là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Từ năm 2017 đến nay, 18/21 đề tài, sáng kiến đơn vị xây dựng được đánh giá đạt chất lượng cao và ứng dụng trong thực tiễn, đơn cử như đề tài: “Cơ sở pháp lý và thực tiễn giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “Nâng cao chất lượng báo cáo, trao đổi nghiệp vụ án dân sự, hạn chế án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của thẩm phán”… Việc ứng dụng hiệu quả các đề tài đã góp phần giúp đơn vị thực hiện có hiệu quả các mặt công tác. Năm 2022, tỷ lệ giải quyết án của đơn vị đạt 98,9%.
Việc chỉ đạo xây dựng đề tài, sáng kiến sát với thực tiễn, có tính ứng dụng cao của TAND tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng công tác của TAND hai cấp trong tỉnh. Điển hình năm công tác 2022 (1/10/2021 – 1/10/2022), tỷ lệ giải quyết án của TAND hai cấp đạt 98,8%, không có trường hợp kết án oan hoặc bỏ lọt tội phạm, không có án quá hạn luật định hoặc bản án tuyên không rõ ràng, khó thi hành. Tỷ lệ giải quyết từng loại án đều vượt chỉ tiêu TAND tối cao giao và TAND tỉnh đề ra. Một số đơn vị có tỷ lệ giải quyết án đạt 100% như TAND các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Chi Lăng, Lộc Bình.
Ý kiến ()