Ứng dụng công nghệ vượt trội, hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản
Ứng dụng công nghệ vượt trội, hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đang là một trong những hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.
Ông Bùi Quang Cảnh khẳng định hiệu quả của chế phẩm sinh học giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi cải thiện môi trường. |
Tại Hải Dương, Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội, hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi – nuôi trồng thủy sản” giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương làm đầu mối và lựa chọn hộ chăn nuôi để làm mô hình thí điểm trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ba hộ chăn nuôi gồm: Hộ nuôi gà Nguyễn Xuân Chuyển, hộ nuôi lợn Nguyễn Thị Tươi và Hộ nuôi cá Bùi Quang Cảnh, tại xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng đã được lựa chọn.
Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Hải Dương, đánh giá, các mô hình đều sử dụng bộ chế phẩm sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam phù hợp cho từng đối tượng vật nuôi, không phải sử dụng kháng sinh và hóa chất.
Sau 3 tháng thực hiện kết quả cho thấy các mô hình chăn nuôi – nuôi trồng thủy sản này đều cho kết quả vượt trội. Vật nuôi tăng trưởng tốt, khỏe mạnh, không bị dịch bệnh; không khí chuồng trại chăn nuôi an toàn, khô thoáng, hết mùi hôi, không gây ảnh hưởng đến người chăn nuôi và khu vực chung quanh. Ao nuôi ít tảo, không bị ô nhiễm, bảo đảm cho cá phát triển tốt.
Chất lượng thịt gà, lợn, cá đều cải thiện rõ rệt, được người tiêu dùng đánh giá ngon hơn. Các chất thải chăn nuôi, bùn thải và xác vật nuôi đều được tận dụng xử lý thành phân bón hay thức ăn bổ sung cho vật nuôi rất hiệu quả. Các hộ gia đình tại khu vực thực hiện mô hình đều rất phấn khởi, hào hứng muốn thực hiện quy trình chăn nuôi – nuôi trồng thủy sản đồng bộ và bảo đảm an toàn sinh học này.
“Chương trình ứng dụng công nghệ này nếu được thực hiện đúng theo chu trình chăn nuôi – nuôi trồng thủy sản khép kín sẽ là sự hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn tại các địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện Chương trình khuyến nông để nhận rộng các mô hình này trên toàn tỉnh giai đoạn 2023-2025”, bà Phạm Thị Đào chia sẻ.
PGS,TS Nguyễn Thị Minh, Chủ nhiệm Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân chăn nuôi – nuôi trồng thủy sản”. |
PGS,TS Nguyễn Thị Minh, Chủ nhiệm Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân chăn nuôi – nuôi trồng thủy sản”, khoa Tài nguyên Môi trường – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ: Chương trình cam kết lấy nông dân làm trung tâm để phát triển các sản phẩm khoa học, góp phần làm gia tăng chuỗi giá trị cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường, tận dụng chất thải hiệu quả như một cách khai thác tài nguyên; đúng với định hướng mà hiện nay cả thế giới cũng như Việt Nam đang theo đuổi là phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn…
“Chủ trương của chúng tôi là phối hợp với các địa phương và bà con nông dân để chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng nền chăn nuôi bền vững, đồng thời khai thác được nguồn tài nguyên từ phế thải chăn nuôi để phát triển kinh tế tuần hoàn… Đây là cách nhanh nhất để hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như giúp đưa các kết quả nghiên cứu thành công từ phòng thí nghiệm được ứng dụng vào thực tế sản xuất”, bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh, trên cơ sở những mô hình thí điểm thành công tại một số tỉnh thành, chúng tôi có kế hoạch sẽ triển khai Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội, hỗ trợ nông dân phát triển triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản” trên 63 tỉnh, thành. Trước mắt, trong năm 2023, chúng tôi dự kiến sẽ nhân rộng mô hình tại các tỉnh đã thí điểm thành công như Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Giang, Ninh Bình, Hải Phòng và triển khai tiếp tại các tỉnh như Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa, Thái Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh nhằm tiếp tục hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tuần hoàn theo đúng định hướng của Chương trình.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương ký kết hợp tác triển khai ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân trên toàn tỉnh Hải Dương. |
Tại Diễn đàn “Ứng dụng công nghệ vượt trội, hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi – nuôi trồng thủy sản” Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã ký kết hợp tác triển khai ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân trên toàn tỉnh theo đúng chủ trương Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” của UBND tỉnh Hải Dương để nhân rộng các mô hình chăn nuôi – nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, bảo đảm an toàn sinh học trên toàn tỉnh.
Ý kiến ()