Ứng dụng công nghệ, vật liệu mới vào sửa chữa đường giao thông
LSO-Trong 5 năm trở lại đây, lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được tăng cường rất lớn, nhất là các tuyến đường tỉnh, huyện. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, nhiều tuyến đường xuống cấp, hư hỏng cần được sửa chữa, bảo trì kịp thời. Do đó, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) đặc biệt quan tâm, nghiên cứu giải pháp nhằm tăng cường duy trì bền vững kết cấu mặt đường. Một trong những giải pháp được thực hiện hiệu quả là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, vật liệu mới vào duy tu, sửa chữa bảo trì các công trình hạ tầng giao thông.
Dàn thiết bị áp dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ sửa chữa đường tỉnh 242 huyện Hữu Lũng |
Trong lĩnh vực sửa chữa cầu đường bộ, Sở GTVT đã ứng dụng công nghệ gia cố dầm, kết cấu cốt thép bằng polime cốt sợi; lĩnh vực sửa chữa lớp phủ mặt đường giao thông có công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ; công tác duy tu sửa chữa đường bộ sử dụng vật liệu mới carboncor asphalt, TL: 2000. Ngoài ra, đối với cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, Sở GTVT đang thí điểm đề tài ứng dụng công nghệ cứng hóa đường giao thông nông thôn bằng vật liệu tại chỗ trên địa bàn tỉnh bước đầu cho kết quả tích cực.
Đường tỉnh 237 Khuổi Khỉn – Bản Chắt kết nối huyện Lộc Bình và Đình Lập đoạn từ xã Khuất Xá đi xã Bính Xá việc đi lại đặc biệt khó khăn, người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị nhà nước sửa chữa, cải tạo nâng cấp nhưng do điều kiện ngân sách khó khăn nên chưa được thực hiện. Đầu năm 2017, Sở GTVT đã xin ý kiến và được UBND tỉnh cho phép đơn vị áp dụng thí điểm vật liệu mới HRB – bột kết dính thủy hóa vô cơ kết hợp với tro bay để cải tạo hơn 8 km tuyến đường. Đến nay, sau gần 1 năm đưa vào khai thác kết cấu nền mặt khá ổn định giúp cho người dân các xã: Tĩnh Bắc, Tam Gia (Lộc Bình) và một phần xã Bính Xá (Đình Lập) đi lại được thuận tiện.
Đối với công tác duy tu bảo trì mặt đường nội thị và đường tỉnh, vật liệu carboncor asphalt được Sở GTVT đưa vào sửa chữa mặt đường hiệu quả. Từ năm 2013 đến nay, nhiều chủ đầu tư cấp huyện sử dụng phổ biến vật liệu này để sửa chữa các tuyến đường nội thị do địa phương mình quản lý. Một trong những ưu điểm nổi bật của loại vật liệu này là thi công đơn giản, nhanh, kết cấu mặt đường được duy trì bền vững và rất thân thiện với môi trường.
Trong năm 2017, Sở GTVT còn thực hiện đề tài thí điểm ứng dụng công nghệ cứng hóa đường giao thông nông thôn bằng vật liệu tại chỗ đối với hơn 1 km đường đất tại tuyến đường huyện thị trấn Hữu Lũng – Đô Lương. Trong đó, Sở GTVT đã mạnh dạn sử dụng tro bay tại Nhà máy Nhiệt điện Na Dương kết hợp với phụ gia để cứng hóa đoạn đường đất. Hiện sau hơn 2 tháng đưa vào khai thác, kết cấu mặt đường đang cho kết quả tích cực.
Tiến sỹ Nguyễn Danh Hải, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật xây dựng Vật liệu kỹ thuật, Bộ GTVT cho biết: Sở GTVT Lạng Sơn là một trong số ít các sở GTVT cấp địa phương tích cực phối hợp với Viện kỹ thuật xây dựng, vật liệu kỹ thuật thuộc Bộ GTVT triển khai nhiều đề tài ứng dụng công nghệ, vật liệu mới để sửa chữa công trình đường bộ, bảo đảm giá thành thấp hơn so với áp dụng công nghệ truyền thống nhựa nóng vào sửa chữa nền đường. Điển hình nhất đó là ứng dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ thực hiện thành công tại tuyến đường tỉnh 242 Phố Vị – Đèo Cà, huyện Hữu Lũng.
Tuyến đường tỉnh Phố Vị – Đèo Cà được đầu tư xây dựng khai thác hơn 10 năm và có mật độ xe quá tải đi lại nhiều khiến cho kết cấu mặt đường bị hư hỏng nặng. Để cải tạo kết cấu nền, mặt đường, năm 2016, Sở GTVT mạnh dạn ứng dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ để sửa chữa tuyến đường làm hai đợt với tổng chiều dài gần 5 km. Sau hơn 1 năm đưa vào khai thác cho thấy những ưu điểm vượt trội như: kết cấu lớp áo đường ổn định, không biến dạng. Ngoài ra, các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, kinh tế đều đáp ứng được mục tiêu đặt ra, cụ thể: lớp kết cấu áo đường được cải thiện cao hơn so với thiết kế ban đầu; cao độ của nền đường không thay đổi; trong quá trình thi công không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh; tiến độ thi công rút ngắn được 50% thời gian so với áp dụng công nghệ truyền thống, giá thành giảm được 20% do tiết kiệm vật liệu tại chỗ được tái sinh.
Điều đáng mừng là việc công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ được thực hiện thí điểm thành công, phù hợp trong điều kiện thực tế tại địa phương đã được tỉnh cho tiếp tục nhân rộng để sửa chữa các tuyến đường tỉnh, đường huyện trong thời gian tới.
TRANG NINH
Ý kiến ()