Ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Tình trạng gian lận về nguồn gốc xuất xứ nông sản đã từng diễn ra, điển hình gần đây là vụ việc tuồn rau VietGAP dởm vào siêu thị được phát hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trồng dâu tây ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng. (Ảnh: Văn Bảo) |
Qua các vụ vi phạm cho thấy, người tiêu dùng, cơ quan quản lý ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, an toàn và sự minh bạch của sản phẩm hàng hóa. Việc minh bạch thông tin sản phẩm, hàng hóa không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã mà còn cả các thông tin liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, đặc biệt với những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như nông sản, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm…
Thực tế cho thấy, nếu không ứng dụng giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì người tiêu dùng không thấy được toàn bộ quá trình hình thành, đường đi của sản phẩm trước khi lên kệ bán hàng, nhất là khâu đầu vào của quá trình sản xuất – khâu quyết định chất lượng sản phẩm.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn khá mới mẻ tại Việt Nam, đã và đang được các bộ, ngành và địa phương triển khai nhanh chóng. Tuy nhiên, hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa phổ biến, đồng đều, mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm, tại một số địa phương và thị trường lớn.
Vấn đề đáng quan tâm là, tại một số siêu thị, trong khi nông sản là mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm nhất về an toàn thực phẩm thì việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn rất hạn chế và không tuân thủ các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc.
Có thể thấy, hầu hết các sản phẩm đều có mã vạch hoặc mã QR, nhưng phần lớn thông tin chứa trong các mã đó chỉ đơn thuần là thông tin tên sản phẩm, nơi trồng, nơi đóng gói, mã lô nguyên liệu, cách sử dụng sản phẩm…, mà không có thông tin về chất lượng sản phẩm.
Theo chuyên gia về mã số, mã vạch, sản phẩm cần truy xuất được thông tin toàn bộ chuỗi cung ứng, như thông tin sử dụng loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nào, thông tin các công đoạn trồng, sơ chế, quá trình vận chuyển, bảo quản như thế nào…
Đối chiếu với tiêu chuẩn đó, có thể thấy nhiều đơn vị kinh doanh chưa bảo đảm nguyên tắc minh bạch thông tin và nguyên tắc phải có sự tham gia đầy đủ của các bên trong chuỗi cung ứng.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu thế tất yếu, trở thành vấn đề cấp thiết và yêu cầu bắt buộc trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nông sản, giúp quản lý chất lượng sản phẩm từ khâu nuôi trồng, chế biến, đến quá trình bảo quản, vận chuyển và phân phối, đặc biệt giải quyết được vấn đề giả mạo chuỗi cung ứng sản phẩm.
Một thực tế đáng quan tâm nữa là hiện có rất nhiều đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhưng không ít doanh nghiệp kinh doanh từ chối sử dụng ứng dụng truy xuất hướng theo tiêu chuẩn của Hội mã số, mã vạch toàn cầu (GS1), chỉ sử dụng hệ thống truy xuất nội bộ, khép kín, với những hạn chế như không có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan quản lý hay với các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu thế tất yếu, trở thành vấn đề cấp thiết và yêu cầu bắt buộc trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nông sản, giúp quản lý chất lượng sản phẩm từ khâu nuôi trồng, chế biến, đến quá trình bảo quản, vận chuyển và phân phối, đặc biệt giải quyết được vấn đề giả mạo chuỗi cung ứng sản phẩm. Vì vậy, cần thúc đẩy việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc một cách đúng hướng, toàn diện.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, cần chuẩn hóa hệ thống truy xuất, để doanh nghiệp áp dụng thống nhất, cơ quan quản lý có thước đo chuẩn để đánh giá doanh nghiệp nào công khai, minh bạch, doanh nghiệp nào còn mập mờ, che giấu thông tin truy xuất. Cùng với đó, cần có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp công tác quản lý truy xuất nguồn gốc đạt hiệu quả hơn.
Ý kiến ()