Chủ nhật, 24/11/2024 12:38 [(GMT +7)]
Ứng dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ trong dạy và học ở Trường Sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật thông tin
Thứ 2, 31/05/2010 | 08:03:00 [(GMT +7)] A A
Góp phần bảo đảm thông tin phục vụ quân đội xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế, Trường Sĩ quan chỉ huy – kỹ thuật (CH – KT) Thông tin ứng dụng bước đầu có hiệu quả công nghệ thông tin và ngoại ngữ trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.
Trường sĩ quan CH-KT Thông tin được giao nhiệm vụ đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu thông tin, nhân viên chuyên môn kỹ thuật thông tin cho toàn quân, đào tạo sĩ quan thông tin cho quân đội Lào, quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia. Hằng năm, nhà trường tổ chức đào tạo 15 đối tượng với hơn 3.000 học viên, theo nhiều chuyên ngành, nhiều bậc học khác nhau.
Đổi mới phương pháp dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quá trình tổ chức đào tạo, nhà trường xác định đây là yêu cầu khách quan, mang tính cấp thiết cả trước mắt và lâu dài, là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Vì vậy, bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học, coi đây là vấn đề then chốt. Thực tế cho thấy, để học viên ra trường nhanh chóng thích ứng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên cương vị công tác được phân công, phải đổi mới phương pháp, trong đó tích cực ứng dụng CNTT, kết hợp hiệu quả các phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học hiện đại; kết hợp chặt chẽ học với rèn, trong học có rèn và trong rèn có học, thể hiện sự sáng tạo trong công tác quản lý đào tạo. Với phương châm: Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, dạy cho học viên biết cách học, cách nghiên cứu khoa học, từ đó việc ứng dụng CNTT vào quá trình dạy học đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ đắc lực cho phương pháp dạy học tích cực. Vì vậy, mặc dù còn không ít khó khăn về trình độ CNTT của đội ngũ giảng viên, về cơ sở vật chất, song, bằng sự quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, sự kiên trì trong tổ chức thực hiện, nhà trường đã tập trung làm chuyển biến về nhận thức; bằng nhiều hình thức, biện pháp, tập trung bồi dưỡng trình độ CNTT cho đội ngũ giảng viên. Vì thế, từ chỗ chỉ có 30% số giảng viên biết thiết kế các bài giảng điện tử, đến cuối năm 2009, 100% số giảng viên có thể thiết kế bài giảng điện tử và sử dụng thành thạo các trang thiết bị dạy học hiện đại.
Được sự hỗ trợ của cấp trên và phát huy nội lực, đến nay 87 giảng đường của nhà trường được trang bị máy tính và máy chiếu, giúp thể hiện bài giảng sinh động với sự hỗ trợ của hình ảnh, âm thanh một cách trực quan, cho phép khai thác tối đa những sản phẩm, những ứng dụng của CNTT trên in-tơ-nét vào xây dựng bài giảng; riêng năm 2009 và đầu năm 2010, số máy tính được cấp trên trang bị và tự mua sắm đã tăng gấp ba lần so với năm 2008. Mạng máy tính nội bộ được nâng cấp và phát triển, hiện mỗi đầu mối trong toàn trường có từ 5 đến 7 điểm truy cập, mỗi Phòng Hồ Chí Minh ở các đơn vị học viên được trang bị từ 20 đến 40 máy tính, toàn trường có hơn 500 điểm truy cập mạng LAN, INTRANET và 60 điểm truy cập in-tơ-nét, giúp giảng viên, học viên khai thác hiệu quả các tài liệu giáo trình và thư viện điện tử. Các bài giảng trước khi lên lớp đều được đưa lên mạng LAN trước một tuần để học viên có điều kiện tiếp cận nghiên cứu trước. Việc trao đổi nội dung học tập giữa giảng viên và học viên, giữa học viên với học viên trên mạng đã trở thành nhu cầu hằng ngày. Năm 2009, nhà trường tổ chức thành công Hội thi cán bộ đại đội và chủ nhiệm bộ môn giỏi và Hội thi bài giảng điện tử. Kết quả 100% số giảng viên tham gia đạt khá, giỏi, trong đó tỷ lệ giỏi đạt hơn 75%.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã có nghị quyết chuyên đề và xây dựng lộ trình dạy học một số nội dung chuyên ngành bằng tiếng Anh. Đối với đội ngũ giảng viên, cùng với cử đi đào tạo tại các cơ sở trong và ngoài quân đội, đào tạo tại nước ngoài theo chỉ tiêu của cấp trên, nhà trường chủ động phối hợp các trung tâm ngoại ngữ mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên, có cơ chế động viên, khuyến khích giảng viên tự học nâng cao trình độ ngoại ngữ. Nhà trường đã mở ba khóa với hơn 90 giảng viên hầu hết là giảng viên trẻ, trong số này có khoảng 30 giảng viên đã và có thể giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Nhà trường tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, trang bị phương tiện dạy học, biên soạn giáo trình tài liệu phục vụ huấn luyện, các giảng đường chuyên dụng đã được trang bị đầy đủ hệ thống nghe nhìn hiện đại dùng cho dạy, học tiếng Anh. Đến năm 2009, giảng viên các khoa chuyên ngành đã đọc dịch thành thạo tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh; việc sử dụng tiếng Anh trong thực hành giảng dạy các môn chuyên ngành bước đầu triển khai có tính khả thi cao, các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thực hành, năng lực sư phạm, khả năng khai thác, sử dụng, ứng dụng các thiết bị, phương tiện dạy học của giảng viên có tiến bộ rõ rệt. Đối với các đơn vị học viên, nhà trường tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh tại một đơn vị hoạt động có nền nếp và trở thành nhu cầu thường xuyên của học viên; các đơn vị học viên chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng ngoài chương trình huấn luyện chính khóa; phối hợp các trường đại học, các trung tâm ngoại ngữ trong khu vực tổ chức nhiều buổi giao lưu chuyên ngữ để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ tiếng Anh một cách toàn diện. Đến nay, khối đại học 15 (năm thứ 2), 100% số học viên có trình độ tiếng Anh từ 300 điểm TOEIC (Nhà trường đã liên hệ với Trung tâm Anh ngữ Việt – Mỹ để đánh giá, trong đó hai lớp có trình độ tiếng Anh từ 450 – 550 điểm TOEIC, có khả năng nghe học chuyên ngành bằng tiếng Anh). Ở một số đơn vị lịch công tác, kế hoạch hoạt động, chấm điểm thi đua, phát tin trong ngày đều được thể hiện song ngữ Anh – Việt. Một số nội dung sinh hoạt tổ, sinh hoạt ngoài giờ, đơn vị quy định chỉ được sử dụng bằng tiếng Anh… Bước vào đầu học kỳ 2, năm học 2009-2010, có ba lớp học viên có thể nghe giảng các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Nhà trường phấn đấu từ khóa đại học 15 trở về sau, 100% số học viên khi ra trường có thể giao tiếp và biên dịch tài liệu bằng tiếng Anh.
Đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của chức trách, nhiệm vụ chỉ huy, quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống thông tin hiện hành và tương lai, nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng mạnh mẽ CNTT, trang thiệt bị hiện đại vào quá trình đào tạo. Đồng thời tiếp tục nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên để năm học 2010-2011 có từ 10 đến 15% số giảng viên các môn chuyên ngành giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh (đến năm 2015 số giảng viên này đạt hơn 50%); từ 3 đến 5% số giảng viên đầu ngành tham gia các hội thảo khoa học bằng tiếng Anh.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()