Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính
LSO-Để tăng hiệu quả, năng suất công việc, giúp tổ chức, người dân thuận lợi trong thực hiện các giao dịch hành chính, những năm gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý nhiệm vụ chuyên ngành |
Ngày 4/11/2016, Sở TN&MT triển khai vận hành cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chính huyện Lộc Bình trên phần mềm ELIS (hệ thống thông tin quản lý đất đai). Theo đó, hồ sơ địa chính và CSDL đất đai huyện Lộc Bình được thực hiện gồm các hạng mục: đo đạc lập bản đồ địa chính; đăng ký, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; dữ liệu địa chính cho 29 xã, thị trấn … được tích hợp vào CSDL đất đai cấp tỉnh. Hệ thống ELIS cung cấp đầy đủ các công cụ, tiện tích đáp ứng hầu hết các quy trình nghiệp vụ của công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường. Phần mềm có chức năng: đăng ký cấp giấy và chỉnh lý biến động đất đai; quản lý quy trình và luân chuyển hồ sơ, thiết kế quy trình nghiệp vụ; quản lý thông tin môi trường; hỗ trợ định giá bất động sản; quản lý thông tin đất đai cấp xã; đồng bộ dữ liệu, cổng thông tin đất đai và môi trường.
Anh Đỗ Duy An, cán bộ Trung tâm CNTT TN&MT (Sở TN&MT) cho biết: Trước đây, chưa ứng dụng ELIS thì sổ địa chính, sổ mục kê và các giấy tờ liên quan hoàn toàn lưu bằng bản giấy rất tốn diện tích, khó cho việc tra cứu thông tin. Nay hệ thống ELIS giúp các tổ chức liên quan và người dân có thể tra cứu và thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai một cách thuận lợi trên hệ thống mạng. Người dân chỉ cần đọc họ tên hoặc chứng minh nhân dân khi yêu cầu tra cứu là hệ thống cho ra kết quả nhanh chóng, chính xác thay vì phải mất nhiều thời gian xác minh, đo đạc trên thực địa. Từ ngày triển khai đến nay, mô hình quản trị CSDL đất đai – ELIS tiếp tục được mở rộng tại 165 xã thuộc 10 huyện trong tỉnh. Sở phấn đấu đến năm 2020 sẽ thực hiện xong hệ thống này.
Ngoài ELIS, những năm gần đây, Sở TN&MT còn ứng dụng hơn 10 phần mềm vào hoạt động. Trong đó tiêu biểu như: phần mềm biên tập bản đồ; phần mềm đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thống kê đất đai; hỗ trợ thống kê và kiểm kê đất đai; phần mềm kế toán, kê khai thuế qua mạng; văn phòng điện tử… Ông Cao Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm CNTT TN&MT cho biết: Các phần mềm CNTT được triển khai, ứng dụng giúp công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành, phục vụ công việc chuyên môn nghiệp vụ của sở một cách hiệu quả, đem lại năng suất lao động cao. Đơn cử đối với phần mềm e-Office, sở đã cấp trên 170 tài khoản cho cán bộ trong ngành sử dụng để phục vụ công việc. Qua đây, 100% văn bản đi, đến (trừ văn bản mật) của sở được xử lý trên môi trường điện tử. Cán bộ trong ngành có thể giao dịch, nhận, gửi văn bản hoặc trao đổi thông tin trên mạng. Nhờ ứng dụng phần mềm này, ước tính mỗi năm, ngành giảm từ 50 – 70 triệu đồng chi phí công tác văn phòng, in, phô tô và chuyển gửi văn bản.
So với các cơ quan hành chính cấp tỉnh thì Sở TN&MT là đơn vị ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả CNTT vào hoạt động. Sở dĩ có được kết quả này, hằng năm, đơn vị tiết kiệm nguồn kinh phí hoạt động, tranh thủ sự đầu tư của các dự án để đầu tư, nâng cấp, cải tạo hạ tầng CNTT. Riêng năm 2016, nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng CNTT của đơn vị gần 900 triệu đồng. Trang thiết bị được đầu tư chủ yếu là phương tiện và các loại máy phục vụ công việc chuyên môn như máy tính và các phần mềm chuyên ngành… Để ngày càng hiện đại hóa hành chính, nhất là phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp trong thực hiện hồ sơ TTHC về đất đai, hiện tại, sở đã lên kế hoạch thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến năm 2016 và định hướng đến năm 2020.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()