Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính ở cấp xã: Tạo thuận tiện cho người dân
– Những năm qua, việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ở cấp xã đã đạt nhiều kết quả tích cực. Có được như vậy, chính quyền cấp xã đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giải quyết TTHC với nhiều giải pháp cụ thể, góp phần tạo sự minh bạch, giảm phiền hà, tăng hài lòng cho người dân.
Toàn tỉnh hiện có 1.803 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền, trong đó, cấp xã có 106 TTHC. Đây là cấp cuối cùng trong hệ thống chính quyền, thường xuyên làm việc với người dân, đặc biệt là giải quyết TTHC. Trung bình mỗi năm, chính quyền cấp xã tiếp nhận từ 400 đến 500 nghìn hồ sơ. Với khối lượng công việc như vậy, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC là việc làm cần thiết và quan trọng nhằm giảm phiền hà cho cá nhân, tổ chức. Theo đó, UBND cấp xã cũng đã chủ động triển khai có hiệu quả nội dung này.
Công chức UBND xã Hoàng Đồng hướng dẫn người dân truy cập dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị di động
Xã Hoàng Đồng là một trong những đơn vị đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC ở thành phố Lạng Sơn. Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND xã đã tiếp nhận 11.497 hồ sơ TTHC, đã giải quyết 11.471 hồ sơ, 100% số hồ sơ này được giải quyết trước và đúng hạn. Ông Phạm Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Bộ phận “một cửa” xã cho biết: Chúng tôi đã bố trí 5 máy tính, 1 máy photo phục vụ giao dịch TTHC cho người dân; các máy tính đều kết nối internet để chuyển gửi thông tin, dữ liệu hồ sơ TTHC qua mạng. Mặt khác, chúng tôi đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với 65 TTHC, trong đó, có 22 TTHC mức độ 3; 43 TTHC mức độ 4.
Tương tự, UBND thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng cũng quan tâm, triển khai hiệu quả các phần mềm ứng dụng dùng chung và phần mềm chuyên ngành nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn, rút ngắn thời gian xử lý TTHC như phần mềm hộ tịch; hệ thống thông tin quản lý hợp đồng công chứng, chứng thực; hệ thống dịch vụ công và một cửa điện tử của tỉnh… Nhờ đó, từ đầu năm 2022 đến nay, UBND thị trấn đã tiếp nhận 4.577 hồ sơ, đã giải quyết và trước, đúng hạn 4.573 hồ sơ, đạt 99,91%. Chị Nguyễn Thị Hà, khu Tân Mỹ 1, thị trấn Hữu Lũng cho biết: Giờ tôi đi làm giấy tờ rất thuận lợi, không vất vả như trước. Bộ phận “một cửa” thị trấn được trang bị máy móc hiện đại, thao tác đều thực hiện qua máy móc nên rất nhanh gọn. Tôi không cần chờ đợi lâu, tôi thấy rất hài lòng.
Không riêng xã Hoàng Đồng và thị trấn Hữu Lũng, thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của UBND các huyện, thành phố, 200 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC. Theo đó, hằng năm, UBND cấp xã đã xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện TTHC trên môi trường mạng. Đồng thời, năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai dự án “Đầu tư trang thiết bị triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử tại bộ phận “một cửa” cấp xã”. Đến nay, mỗi đơn vị cấp xã đã được cấp 1 bộ máy tính, 1 máy scan tại bộ phân “một cửa”.
Bên cạnh đó, UBND cấp xã đã triển khai tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ TTHC qua Cổng dịch vụ công trực tuyến và “một cửa” điện tử tỉnh với 67 TTHC mức độ 3, 4. Theo đó, UBND cấp xã đã chỉ đạo công chức chuyên môn thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, giải quyết TTHC và hướng dẫn người dân tạo tài khoản nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đảm bảo đúng quy trình. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, chính quyền cấp xã toàn tỉnh đã tiếp nhận 446.367 hồ sơ thì có 10,29% (45.945 hồ sơ) trực tuyến và 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Việc ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết TTHC tạo hiệu quả công tác cải cách TTHC tại chính quyền cấp xã giúp người dân theo dõi, giám sát được quá trình xử lý hồ sơ TTHC của các cơ quan Nhà nước, đóng góp quan trọng vào công tác chuyển đổi số của tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện đề nghị đơn vị hành chính cấp xã tăng cường hơn nữa việc giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng.
Như vậy, bằng những giải pháp đồng bộ, việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC tại cấp xã đã đem lại nhiều kết quả, góp phần tạo sự công bằng, minh bạch, hiệu quả, giảm phiền hà cho người dân, từng bước xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()