Ứng dụng công nghệ thông tin tìm kiếm mộ liệt sĩ
Với kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin thành thạo, những tình nguyện viên đã và đang giúp hàng nghìn gia đình liệt sĩ tìm được thông tin, kỷ vật, phần mộ liệt sĩ, góp phần đưa các liệt sĩ trở về quê hương, đoàn tụ cùng gia đình.
Hơn 30 năm tìm mộ anh trai là liệt sĩ chống Mỹ, thấu hiểu nỗi niềm của thân nhân liệt sĩ, từ năm 2008, thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ, sinh năm 1956, giáo viên Trường THPT Tân Bình, Tân Uyên, Bình Dương (đã nghỉ hưu) lặng thầm đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) để chụp ảnh bia mộ, tìm kiếm, đối chiếu thông tin rồi đưa lên internet, mạng xã hội, giúp hàng nghìn gia đình liệt sĩ tìm được mộ người thân.
Để có thông tin đầy đủ cung cấp cho gia đình liệt sĩ, thầy giáo Hồ còn tìm đến cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội tại các địa phương, các cơ quan, đơn vị quân đội, đề nghị được sao chép hồ sơ, danh sách liệt sĩ, hồ sơ lưu trữ thông tin liệt sĩ, sau đó chắt lọc, khớp nối thông tin, viết thư gửi thân nhân các liệt sĩ báo tin, đồng thời đăng tải lên internet.
Với mong muốn tạo một kênh thông tin hỗ trợ thân nhân liệt sĩ mọi miền đất nước có thể tìm được mộ người thân, thời gian đầu, thầy giáo Hồ lập blog teacherho.vnweblogs.com. Tại trang blog này, ông đăng tải hàng nghìn ảnh bia mộ và thông tin mộ liệt sĩ được thu thập tại NTLS. Từ năm 2012, ông lập website nguoiduado.vn (Người đưa đò), lập trang Facebook cá nhân để thân nhân liệt sĩ thuận tiện truy cập, tìm kiếm và trao đổi thông tin. Ông cũng sẵn sàng đồng hành cùng thân nhân liệt sĩ đến nơi liệt sĩ an nghỉ, giúp đỡ thân nhân làm thủ tục cần thiết, kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ phương tiện, kinh phí để đưa đón hài cốt liệt sĩ trở về quê nhà.
Trong 15 năm qua, ông đã đến hơn 1.000 NTLS, chụp hơn 800.000 ảnh bia mộ, giúp hơn 10.000 gia đình tìm thấy mộ liệt sĩ.
“Khi chưa có mạng xã hội, tôi phải viết hàng nghìn bức thư gửi qua bưu điện để báo tin cho thân nhân biết phần mộ của liệt sĩ nhà mình. Việc này cũng tốn nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc. Kể từ khi có mạng xã hội thì thông tin chuyển đến gia đình liệt sĩ thuận tiện hơn nhiều, có nhiều trường hợp chỉ mới đăng tin 30 phút đã kết nối thành công, như trường hợp liệt sĩ Lưu Văn Soi, quê ở Vạn Thiện, Nông Cống, Thanh Hóa” - thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ chia sẻ.
Sự tận tâm, tận lực trong hành trình kết nối, chia sẻ, giúp các gia đình liệt sĩ tìm mộ người thân của thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ đã truyền cảm hứng và nhận được sự đồng hành của hàng trăm tình nguyện viên trên khắp cả nước, tạo thành một mạng lưới rộng khắp hỗ trợ gia đình liệt sĩ. Nhiều tình nguyện viên trẻ đã dành thời gian khai thác thông tin tại trang web Người đưa đò và Facebook Nguyễn Sỹ Hồ rồi tổng hợp, lập danh sách liệt sĩ có thông tin tại các NTLS, sau đó gửi đến chính quyền các địa phương hoặc đăng lên mạng xã hội, nhờ cộng đồng tìm kiếm thân nhân. Qua đó, nhiều trường hợp thân nhân đã tìm được phần mộ của người thân, các tình nguyện viên còn hỗ trợ làm thủ tục, bố trí phương tiện, kinh phí đưa đón hài cốt liệt sĩ trở về quê hương yên nghỉ.
Ngay trong những ngày đầu tiên năm mới Giáp Thìn 2024, thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ đã kết nối thành công, báo tin vui cho nhiều gia đình liệt sĩ, như các liệt sĩ: Trịnh Như Dung, Nguyễn Văn Tứ, Lưu Văn Soi, Phạm Văn Trang, Hoàng Văn Huynh, cùng quê quán tỉnh Thanh Hóa; liệt sĩ Phan Văn Khìn (Lạng Sơn); liệt sĩ Vương Chính Củi (Hà Giang); liệt sĩ Nguyễn
Văn Nghêu (Ninh Bình). Ông và các tình nguyện viên cũng đang chuẩn bị cho hành trình đưa hài cốt liệt sĩ Lê Văn Khi từ NTLS Cai Lậy (Tiền Giang) về quê nhà huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, nơi có mẹ Phạm Thị Hòa, 101 tuổi, đang ngày đêm khắc khoải nhớ mong.
Với tấm lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã ngã xuống cho quê hương, đất nước, nhiều năm qua, anh Lâm Hồng Tiên, một người đam mê nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cũng dành nhiều tâm sức, thời gian và tiền bạc để tìm kiếm thông tin liệt sĩ từ các nguồn tài liệu quân sự.
Từ việc nghiên cứu, tổng hợp các báo cáo của quân đội Mỹ đã được giải mật và đăng tải công khai trên website của Đại học Kỹ thuật Texas (Mỹ) về các trận đánh, nơi an táng ban đầu của liệt sĩ, những ngôi mộ tập thể, bản chụp những giấy tờ, kỷ vật, hồ sơ cá nhân, năm 2013, anh Lâm Hồng Tiên lập trang website www.kyvatkhangchien.com để đăng thông tin, tài liệu, kỷ vật kháng chiến và hỗ trợ tìm kiếm thông tin liệt sĩ. Sau này, khi có mạng xã hội, anh lập trang Facebook Kỷ Vật Kháng Chiến để lan tỏa nhiều hơn những thông tin về liệt sĩ. Nỗ lực của anh đã góp phần tìm kiếm, quy tập được nhiều ngôi mộ tập thể liệt sĩ và bắc nhịp cầu đưa những kỷ vật thiêng liêng của liệt sĩ trở về bên gia đình.
Hơn 1.000 bài thông tin về liệt sĩ mà anh Lâm Hồng Tiên đã đăng tải trên website kyvatkhangchien.com và trang Facebook cá nhân, trong đó nhiều tài liệu có tọa độ nơi an táng ban đầu và danh sách liệt sĩ là nguồn thông tin quý giá giúp các đội quy tập, đơn vị chính sách quân đội, hội cựu chiến binh và thân nhân tìm mộ liệt sĩ.
“Mạng xã hội có sức lan tỏa thông tin rất lớn, nhanh, không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý hay thời gian. Khi có thông tin liên quan đến bộ đội Việt Nam như: trận đánh, giấy tờ bị thu giữ, nơi chiến đấu, nơi hy sinh của các liệt sĩ... tôi thường đưa ngay lên blog và trang Facebook, được rất nhiều người quan tâm, nhất là các thân nhân liệt sĩ. Cũng nhờ công nghệ thông tin, mạng xã hội, việc kết nối với các nhân chứng là cựu chiến binh Mỹ được dễ dàng hơn, nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả hơn” - anh Lâm Hồng Tiên chia sẻ.
Chị Ngô Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Trung tâm MARIN) từng bỏ công việc ổn định để theo đuổi hành trình tìm mộ liệt sĩ. 20 năm trước, khi đang làm biên tập cho một tạp chí ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị Hằng quyết định thôi việc, trở ra Hà Nội để hỗ trợ nhóm sinh viên Trường đại học Khoa học Tự nhiên phụ trách website: nhantimdongdoi.org. Sau những lần tiếp xúc với các gia đình liệt sĩ, chị thấy phần lớn thân nhân liệt sĩ ở nông thôn, đời sống kinh tế khó khăn, luôn đau đáu nỗi niềm tìm mộ người thân nhưng vô vọng do không có nguồn thông tin và tiền bạc. Chị nghĩ phải làm cách nào đó để giúp đỡ thân nhân liệt sĩ tìm được phần mộ người thân.
Cứ ngoài giờ làm việc, chị lại lên internet tìm kiếm thông tin liệt sĩ hoặc đến các NTLS chụp ảnh bia mộ. Tháng 2/2009, chị hoàn thành dự án Đài tưởng niệm liệt sĩ trực tuyến Việt Nam tại website: lietsivietnam.org ghi danh hàng chục nghìn liệt sĩ.
Tháng 10/2012, Trung tâm MARIN thuộc Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam ra đời. Hiện Trung tâm có một kho dữ liệu thông tin của khoảng 900.000 liệt sĩ và các phần mộ liệt sĩ an nghỉ tại hơn 3.000 NTLS trong cả nước.
Thêm một liệt sĩ được xác định danh tính, trả lại đầy đủ tên tuổi, quê quán, được trở về với quê hương, gia đình là bớt đi một phần nỗi đau, nỗi day dứt của người thân, dòng họ, xã hội, là chúng ta bước thêm một bước mới trên con đường góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh.
Bằng trí tuệ, tâm huyết và sự tri ân sâu sắc, cùng sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, đã giúp các tình nguyện viên viết lên những câu chuyện đẹp về lòng biết ơn, sự hy sinh, tình người, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Hành trình tri ân ấy vẫn đang tiếp tục và được tiếp nối bởi những tình nguyện viên trẻ.
Ý kiến ()