Ứng dụng công nghệ thông tin tại Kho bạc Nhà nước tỉnh: Đồng bộ giải pháp, nâng chất lượng công việc
– Những năm qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh luôn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý ngân sách. Nhờ đó, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, nâng cao chất lượng dịch vụ kho bạc góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, hướng tới hình thành kho bạc số.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.541 đơn vị đang thực hiện giao dịch với KBNN với 8.882 tài khoản, trong đó có 256 đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch với KBNN tỉnh. Chỉ tính riêng tại KBNN tỉnh, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 90.000 hồ sơ, chứng từ được giao dịch. Với chức năng, nhiệm vụ quản lý quỹ ngân sách Nhà nước, thời gian qua, việc ứng dụng CNTT, hiện đại hóa hành chính luôn được KBNN tỉnh thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp tích cực.
Cán bộ, KBNN tỉnh xử lý công việctrên Cổng dịch vụ công trực tuyến của đơn vị
Theo đó, KBNN tỉnh đã triển khai mạnh mẽ thực hiện giao dịch với các đơn vị sử dụng ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4. Đến nay, trong tỉnh có 1.431 đơn vị đang thực hiện giao dịch qua hình thức này, đạt 100% số đơn vị sử dụng NSNN (trừ 110 đơn vị thuộc khối lực lượng vũ trang). Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, có 99,5% hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi được thực hiện thành công qua DVCTT của kho bạc, tạo thuận lợi cho các đơn vị giao dịch, tiết kiệm chi phí, thời gian và đẩy nhanh tốc độ thanh toán, đảm bảo an toàn chính xác.
Chị Nguyễn Thị Kim, Kế toán trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn cho biết: Trung bình mỗi tháng, trường có khoảng 40 đến 50 chứng từ giao dịch qua DVCTT với tại KBNN tỉnh. So với cách làm truyền thống thì thực hiện giao dịch trực tuyến giúp tôi không phải đi lại nhiều lần, không phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ kho bạc. Hơn nữa, việc giao dịch cũng đảm bảo chính xác hơn. Nếu như trước kia còn có hiện tượng thất lạc, nhầm lẫn chứng từ với các cơ quan, đơn vị khác thì từ khi giao dịch qua DVCTT đã không còn xảy ra.
Cùng với hệ thống trên, nhằm thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát chi, KBNN tỉnh đã triển khai các hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), thanh toán điện tử liên ngân hàng, điện tử song phương và bù trừ điện tử, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thanh toán nhanh chóng, chính xác, an toàn. Đồng thời, KBNN tỉnh cũng đã triển khai tới các đơn vị sử dụng ngân sách sử dụng chương trình cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động để giám sát các khoản chi NSNN, giúp thủ trưởng đơn vị nắm bắt kịp thời biến động số dư và nội dung chi trả kinh phí do đơn vị mình quản lý.
Ngoài ra, KBNN tỉnh cũng đang áp dụng chương trình tin học hóa toàn bộ quy trình thu nộp thuế giữa Cục Thuế – Cục Hải quan – KBNN tỉnh (gọi tắt là chương trình TCS), chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn để tập trung nhanh, hoạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên, liên tục cho các cấp có thẩm quyền, phục vụ công tác điều hành thu ngân sách các cấp. Đồng thời, công tác phối hợp thu với các ngân hàng thương mại tiếp tục được đẩy mạnh với hình thức thu qua máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS). Năm 2021, KBNN tỉnh tiến hành ký kết thu ngân sách nhà nước với Ngân hàng VP Bank Chi nhánh Lạng Sơn. Đến nay, KBNN tỉnh đã mở tài khoản chuyên thu với 7 ngân hàng thương mại.
Ông Đặng Văn Thương, Phó Giám đốc KBNN tỉnh cho biết: Việc áp dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ của KBNN tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, rút ngắn đáng kể thời gian thu nộp, kiểm soát chi, giảm từ 3 ngày làm việc theo quy định của Bộ Tài chính xuống còn giải quyết trong 1 ngày làm việc. Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ nghiên cứu, thực hiện triển khai dịch vụ công kiểm soát chi ngân sách Nhà nước và Dịch vụ công đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản của đơn vị giao dịch tại KBNN tỉnh.
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại KBNN tỉnh đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý ngân sách. Tin tưởng rằng, với những giải pháp tích cực trong thời gian tiếp theo, KBNN tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa hướng tới xây dựng thành công kho bạc số.
Ý kiến ()