Thứ 7, 23/11/2024 06:10 [(GMT +7)]
Ứng dụng công nghệ thông tin: Nâng cao chất lượng giáo dục
Thứ 6, 28/12/2012 | 09:13:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, việc đưa công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy vẫn chưa phủ rộng khắp các trường. Chính vì vậy, Sở KH&CN Lạng Sơn phối hợp với Viễn thông Lạng Sơn cùng đầu tư hệ thống máy móc nhằm nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin tại các trường học vùng xa.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác
dạy và học tại Trường THCS xã Bình La (Bình Gia)
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, nơi có nhiều trường học còn gặp khó khăn, trở ngại về nhiều mặt, về đối tượng học sinh. Song trở ngại đó không thể ngăn Lạng Sơn quyết tâm đẩy mạnh tin học hóa trong nhà trường. Tỉnh đã tuyển đủ đội ngũ nhà giáo có trình độ về tin học để giảng dạy trong các nhà trường bậc THCS, bước đầu phổ cập rồi dần nâng cao trình độ tin học cho học sinh phần lớn là người dân tộc thiểu số. Hàng năm, các nhà trường đã khắc phục khó khăn để trang bị cho đơn vị mình hệ thống phòng máy phục vụ cho hoạt động dạy và học. Tại trường Phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh hiện đã có 2 phòng máy với gần 50 máy vi tính, đáp ứng tương đối đủ cho học sinh học tin học. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, trường nào cũng trang bị đầy đủ hệ thống máy tính, hệ thống Internet để đáp ứng cho công tác giảng dạy.
Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tại những vùng khó khăn, thời gian qua, Sở KH&CN Lạng Sơn đã phối hợp với VNPT Lạng Sơn cùng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong ngành giáo dục và đào tạo. Với đội ngũ cán bộ viễn thông, tin học hùng hậu, trẻ về tuổi đời, vững về chuyên môn nghiệp vụ, 2 đơn vị đã cùng phối hợp đẩy mạnh việc triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và học tập trong tất cả các đơn vị của ngành giáo dục. Kết quả, Viễn thông Lạng Sơn đã triển khai Internet băng rộng được 600/623 cơ sở giáo dục; 169 bộ máy tính tại 83 điểm Internet trường học.
Từ sự hỗ trợ trên, cùng với việc đưa vào giảng dạy môn tin học, các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã chủ động ứng dụng CNTT vào thực tiễn bài học. Đội ngũ giáo viên vùng cao đã coi ứng dụng CNTT vào tiết học là một trong những tiêu chí thi đua, là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng bài học, tạo tính sinh động cho bài giảng của mình. Đa số giáo viên vùng cao đã tích cực sưu tầm tư liệu phù hợp với tiết học, tổ chức trình chiếu có hiệu quả, tạo sức hút lớn đối với học sinh nhờ tính thực tế và sinh động của tư liệu. Tại trường THPT xã Bình La, chúng tôi được dự một tiết học toán. Với đối tượng là học sinh chủ yếu là người dân tộc, thầy giáo đã dày công soạn giáo án giảng dạy điện tử với những ví dụ sinh động, cụ thể và thao tác rất thành thạo. Giờ học nhờ thế mà sinh động, có sức thu hút lớn đối với học sinh.
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục cũng đã tạo bước chuyển mới trong công tác quản lý của các trường học trên địa bàn tỉnh, nhất là các trường ở vùng nông thôn. Chính vì vậy, đồng loạt các trường học ở các xã vùng nông thôn miền núi đã áp dụng tốt các phần mềm quản lý nhà trường. Cụ thể như quản lý phần mềm điểm học tập của học sinh, giờ công của giáo viên, thời khóa biểu, sĩ số học sinh, thông tin học sinh rồi công khai hóa các nội dung giáo dục của nhà trường. Đây là một bước tiến mới của các trường học ở tỉnh miền núi, biên giới như Lạng Sơn. Không chỉ vậy, nhờ hệ thống mạng mà Sở KH&CN, VNPT phối hợp lắp đặt, việc gửi và nhận thư điện tử giữa Sở GĐ&ĐT, các phòng GD&ĐT và các nhà trường được thông suốt, kịp thời, thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành. Giáo viên và học sinh có điều kiện khai thác tư liệu trên mạng phục vụ cho việc dạy và học.
Có thể nói, từ sự phối hợp đồng bộ giữa 3 ngành giáo dục, KH&CN, Viễn thông đã góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động giáo dục. Qua đó rút ngắn khoảng cách giữa chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn so với khu vực thành thị, tạo tiền đề cho việc bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cho các địa phương.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()