Ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát dịch Covid-19
Cùng với xét nghiệm chủ động và tiêm vaccine, ứng dụng công nghệ thông tin được Chính phủ xác định là một trong ba mũi tấn công nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các giải pháp công nghệ sẽ chỉ phát huy hiệu quả cao nhất nếu có sự tự giác của mỗi người dân và sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ từ các cấp chính quyền địa phương.
Công nghệ hiệu quả đến đâu?
Singapore đã cho thấy sức mạnh của công nghệ giúp kiểm soát dịch Covid-19 và duy trì trạng thái bình thường mới của xã hội. Đảo quốc này tăng cường sử dụng các công nghệ xét nghiệm nhanh và áp dụng công nghệ truy vết thông qua hai ứng dụng là TraceTogether dùng để truy vết tiếp xúc gần (gần giống phần mềm phát hiện tiếp xúc gần Bluezone) và ứng dụng SafeEntry sử dụng quét mã QR để ghi nhận sự có mặt tại một địa điểm.
Các chuyên gia đầu ngành làm việc tại Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia.Ảnh: ĐẶNG HOÀN |
Tại nước ta, hiệu quả của truy vết điện tử cũng được khẳng định. Các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần có thể kể đến là: NCOVI (tờ khai y tế tự nguyện); Vietnam Health Declaration (khai báo y tế cho người nhập cảnh); Bluezone; hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng thông qua quét mã QR.
Với việc virus gây dịch Covid-19 biến thể nhanh, ngày càng dễ lây lan thì sử dụng công nghệ để nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch, giảm việc thực hiện cách ly trên diện rộng ngày càng đặt ra cấp thiết. Nếu các giải pháp công nghệ nêu trên được người dân nghiêm túc thực hiện thì xã hội có thể duy trì được hoạt động tương đối bình thường, các địa điểm kinh doanh, khu công nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động mà vẫn kiểm soát được dịch bệnh.
Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia quy tụ nhiều kỹ sư công nghệ có chuyên môn cao.Ảnh: ĐẶNG HOÀN |
Ngay trong đợt dịch hiện nay, việc sử dụng công nghệ đã thể hiện rõ hiệu quả. Khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 tại Công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Quế Võ, UBND tỉnh Bắc Ninh ngay lập tức chỉ đạo các địa phương trong tỉnh sử dụng phần mềm Quản lý thông tin toàn bộ công nhân tại các khu công nghiệp do tỉnh Bắc Ninh tự phát triển. Phần mềm gồm: Tên, tuổi, số chứng minh nhân dân, quê quán, số điện thoại, nơi trọ, các trường thông tin liên quan đến nhà máy làm việc… Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Bắc Ninh, với ứng dụng này, khi cơ quan y tế hoặc lực lượng chức năng cần phân tích về người nhiễm bệnh, chỉ cần nhấn vào tên của đối tượng sẽ ngay lập tức nắm được các thông tin về chủ thể và những người có liên quan. Đây là điều kiện thuận lợi để phục vụ công tác truy vết.
Một số phần mềm chống dịch khác cũng đang được Bắc Ninh và các tỉnh, thành phố xây dựng, trong đó có hệ thống Bản đồ chống dịch an toàn Covid-19. Phần mềm sẽ giúp người dân và cơ quan y tế có cái nhìn khái quát về tình hình dịch trên từng địa bàn từ cấp tỉnh đến thôn, xóm bằng việc tích hợp dữ liệu lên bản đồ. Khi có ca nhiễm bệnh xảy ra giáp ranh giữa hai huyện hoặc xã, nhìn vào bản đồ sẽ nhanh chóng có phương án khoanh vùng.
Ông Đỗ Lập Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử (Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT), thành viên thường trực Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, cho biết: “Trong đợt dịch thứ tư, hơn 30 nghìn đối tượng tiếp xúc gần được truy vết điện tử. Bằng cách thức này, thời gian phát hiện các mốc dịch tễ của một đối tượng nghi nhiễm chỉ mất 2 phút. Việc người dân phản ánh qua khai báo y tế điện tử, ví dụ như: Xảy ra tình huống nhập cảnh trái phép hay bản thân hoặc người quen của họ có các triệu chứng sốt, ho, khó thở cũng giúp ngành y tế phản ứng nhanh hơn trước các diễn biến của dịch bệnh”.
Người dân khai báo y tế qua quét mã QR tại Bệnh viện Bạch Mai.Ảnh: QUANG VINH |
Hiện nay, bản khai y tế điện tử là những dữ liệu đầu vào cơ bản để cơ quan y tế nắm được thông tin về sức khỏe người dân. Trong khi đó, bằng việc quét mã QR kết hợp khai báo y tế điện tử tại các điểm công cộng, khi một trường hợp được xác định là F0, cơ quan chức năng sẽ dựa trên lịch sử quét mã QR của người đó để lần ra các mốc dịch tễ. Đồng thời, cũng thông qua mã QR mà F0 đã quét, cơ quan chức năng nhanh chóng xác định được bao nhiêu đối tượng đã đến đó và tiến hành truy vết, lập danh sách F1.
Nhiều công nghệ hiện đang liên tục được cập nhật triển khai để phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Điển hình như, khi số lượng người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 ngày càng nhiều, “số hóa” tiêm chủng là việc làm cần thiết để tạo điều kiện thông thương cho người đi từ vùng này sang vùng khác cũng như thúc đẩy các quốc gia mở cửa trở lại. Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel-VTS (Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội) nhận nhiệm vụ xây dựng sổ sức khỏe điện tử và Hệ thống quản lý tiêm chủng, cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 điện tử. Chia sẻ về giải pháp này, Phó giám đốc Trung tâm Giải pháp y tế (VTS) Lưu Thế Anh cho biết, sau khi tiêm, công dân được cấp chứng nhận tiêm và mã QR xác nhận, dữ liệu được quản lý trên hệ thống. Sau mũi tiêm thứ nhất, mã QR xuất hiện vòng màu vàng và sau mũi tiêm thứ hai thay đổi thành vòng màu xanh. Mã QR này sẽ như một tấm hộ chiếu vaccine cho công dân. Để tránh kẻ gian ăn cắp mã của những người đã tiêm vaccine, Viettel ứng dụng công nghệ Blockchain, mã QR code sẽ tự động thay đổi sau 3 phút bảo đảm an toàn thông tin.
Quản lý tập trung dữ liệu từ các ứng dụng
Tuy hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19 là thấy rõ, nhưng để ứng dụng công nghệ với hàng vạn người dân thuộc nhiều tầng lớp, trình độ khác nhau là điều không dễ dàng.
Để thực hiện được hơn 1,5 triệu tờ khai y tế, hơn 12.000 điểm mã QR, ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết: “Bắc Ninh đã chủ động tuyên truyền về các ứng dụng công nghệ bằng nhiều hình thức khác nhau. Hơn nữa, để người dân tin tưởng, địa phương cần có sự tổ chức và sử dụng dữ liệu hợp lý”. Nếu các địa phương chủ động tiến hành chuyển đổi số, tập trung cơ sở dữ liệu thì quá trình xây dựng các phần mềm phòng, chống dịch Covid-19 sẽ diễn ra nhanh chóng.
Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, việc áp dụng công nghệ cần một số điều kiện tiên quyết để bảo đảm thành công. Thứ nhất, những công nghệ chủ chốt phải bắt buộc sử dụng, tỷ lệ người dùng phải đủ cao. Thứ hai, dữ liệu và xử lý dữ liệu phải tập trung và liên thông giữa các ứng dụng vì càng nhiều dữ liệu truy vết càng nhanh, càng chính xác, càng phát hiện sớm các nguy cơ. Thứ ba, phần mềm phải viết dưới dạng nền tảng, dễ sử dụng để các cấp từ tỉnh, huyện, xã, các tổ dân phố có thể dùng chung.
Mới đây nhất, Bộ TT&TT thành lập Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia hoạt động 24/7 nhằm bảo đảm khả năng phản ứng nhanh với diễn biến phức tạp của dịch. Ông Đỗ Lập Hiển cho biết, trung tâm là đơn vị cầm nhịp thiết kế tổng thể các ứng dụng công nghệ mà trước đây còn thiếu sự kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Theo ông Đỗ Lập Hiển, mô hình tổng thể các hệ thống công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay gồm 6 mảng lớn là: Hệ thống Khai báo y tế và quét mã QR tại các điểm kiểm dịch, các cơ sở công cộng; Hệ thống Quản lý các ca nghi nhiễm, quản lý các ca truy vết; Hệ thống Quản lý cách ly; Hệ thống Bản đồ chống dịch an toàn Covid-19; Hệ thống Quản lý xét nghiệm; Hệ thống Quản lý tiêm chủng và cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 điện tử. Trung tâm đi vào hoạt động đã quản lý thống nhất, liên hoàn các hệ thống, kết nối tập trung dữ liệu, hỗ trợ đắc lực cho công tác truy vết, phục vụ cho hàng chục triệu người dùng.
Thời điểm dịch bệnh cũng tạo ra môi trường để các doanh nghiệp công nghệ thể hiện năng lực của mình, để công nghệ giúp giải các bài toán của đời sống. Tuy nhiên, muốn công nghệ phát huy hiệu quả thì mỗi người dân cần thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bằng cách cài đặt, sử dụng các ứng dụng, phần mềm công nghệ.
Ý kiến ()