Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp: Vì sao Việt Nam bị “hụt hơi”?
Khoảng hai thập kỷ qua, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, trong đó có công nghệ sinh học (CNSH) vào nông nghiệp đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Nhưng gần đây, việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong nông nghiệp ở Việt Nam đang bị “hụt hơi” khiến nước ta phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu so với thế giới.
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vướng ở đâu?
Tiến sĩ Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) khẳng định: CNSH là thành tựu của nhân loại, đóng góp hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp của thế giới trong nhiều thập kỷ, đặc biệt trong vòng 30 năm qua. Thế giới hiện có khoảng 200 triệu héc-ta trồng ứng dụng CNSH (biến đổi gen, chuyển gen, chỉnh sửa gen...) với các loại cây trồng như đậu tương, ngô, bông, cải dầu...
GS, TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho hay, từ năm 2015 đến nay, Việt Nam trồng hơn 1,3 triệu héc-ta cây trồng biến đổi gen (ngô, đậu tương, bông). Có nhiều lợi ích khi canh tác, năng suất được bảo đảm, giảm công chăm sóc, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... từ đó giúp gia tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong nông nghiệp nhằm tạo ra sự đột phá cùng những kỹ thuật nhân giống hiện đại đã cung cấp nhiều giống mới với các tính trạng mong muốn như: Tính chịu hạn, kháng bệnh, tính chống chịu mặn; sử dụng chất dinh dưỡng, tăng năng suất và sức sống tự nhiên, hiệu quả sử dụng nước...
Bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á đánh giá, cây trồng áp dụng CNSH giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, giúp người dân nâng cao sinh kế, bảo đảm thu nhập, nhất là tại các vùng chưa bảo đảm về nước tưới, vùng sâu, vùng xa. Công nghệ chỉnh sửa gen đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam.
“Chìa khóa” để nông nghiệp Việt Nam phát triển
“Rõ ràng, lợi ích của việc ứng dụng CNSH trong nông nghiệp của Việt Nam là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc ứng dụng CNSH bị chậm lại, có nguy cơ tụt hậu so với thế giới. Để không tụt hậu, nước ta cần nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và ứng dụng các xu hướng mới này”, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Lý giải về tình trạng nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong nông nghiệp tại Việt Nam hiện đang chậm so với các nước trên thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến việc nghiên cứu, ứng dụng CSHH trong nông nghiệp gặp khó thời gian qua là rào cản về các cơ chế, chính sách còn bất cập. Ví như vấn đề quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước liên quan đến Nghị định số 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ. PGS, TS Nguyễn Hữu Ninh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, vướng mắc ở đây chính là kết quả nghiên cứu thuộc phạm vi đầu tư của ngân sách nhà nước. Do nghiên cứu thuộc phạm vi đầu tư của ngân sách được xem là tài sản nhà nước nên doanh nghiệp không mấy mặn mà trong việc phối hợp, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng CNSH. Nguyên nhân khác nữa là do nguồn lực bị giới hạn nên việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong nông nghiệp cũng bị chậm lại.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Ninh, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng CNSH để lai tạo giống mới, nâng cao tính cạnh tranh là một đòi hỏi bức thiết. Nếu việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong nông nghiệp tại Việt Nam chậm sẽ có nguy cơ tụt hậu so với các nước trên thế giới, ảnh hưởng lớn tới sản xuất, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ứng dụng CNSH không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là chìa khóa để Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, cạnh tranh cao. Đảng, Nhà nước ta thời gian qua đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách về nghiên cứu, ứng dụng CNSH, đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị đã xác định, xây dựng CNSH trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng. Vì vậy, để tránh nguy cơ tụt hậu, đáp ứng hiệu quả đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng, Việt Nam cần tiếp tục tập trung nghiên cứu, nâng cao hơn nữa ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, nhất là kỹ thuật di truyền gồm chỉnh sửa gen, nhân giống vô tính, tái tổ hợp AND để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trước mắt, khai thác tối đa hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm, tập trung vào phát triển công nghệ tế bào, công nghệ nano. Sâm Ngọc Linh đang nghiên cứu nhân giống vô tính là một ví dụ. Hay từ giống đậu tương thông thường có hàm lượng đường gây khó tiêu, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, chỉnh sửa gen, gây đột biến thành giống đậu tương mới-ĐT26 để khắc phục nhược điểm trên...
Tiến sĩ Đỗ Tiến Phát, Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, ngành nông nghiệp Việt Nam tới đây cần đẩy mạnh ứng dụng CNSH cùng các giải pháp nông nghiệp chính xác, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ý kiến ()