Đến nay các huyện ủy, thành ủy đã cụ thể hóa chủ trương này trong nghị quyết hằng năm của địa phương và triển khai nhiều hoạt động đưa công nghệ sinh học vào phục vụ sản xuất và đời sống.
Bên cạnh đầu tư kinh phí 123 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, xây dựng cơ sở thực nghiệm và nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, Vĩnh Long tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực công nghệ trình độ cao. Trong đó, đưa mười cán bộ đi đào tạo sau đại học các chuyên ngành liên quan công nghệ sinh học, đào tạo tám cán bộ sau đại học ngành công nghệ sinh học ở nước ngoài. Đáng chú ý, tỉnh đã và đang thực hiện 15 đề tài ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, tập trung nhiều nhất việc nghiên cứu tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa, cây ăn quả, rau màu, thủy sản và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các đề tài đều được chuyển giao, ứng dụng vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và thu nhập người dân. Tiêu biểu như, nghiên cứu sản xuất 123 ha giống lúa nguyên chủng, nhờ đó mỗi năm cung ứng hơn 21 nghìn tấn giống lúa, đáp ứng 70% diện tích sản xuất toàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng gạo phục vụ tiêu dùng của người dân và xuất khẩu. Các đề tài nghiên cứu, chọn và lai tạo giống cam, quýt không hạt, ít hạt từ giống địa phương và giống nhập ngoại; thanh lọc và tạo ra một số giống cam sành ít hạt, tuyển chọn cây đầu dòng bưởi năm roi có năng suất chất lượng cao phục vụ dự án mở rộng vùng chuyên canh bưởi… cũng đem lại kết quả tốt. Cán bộ kỹ thuật đã tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và cung ứng gần 29 nghìn túi meo nấm bào ngư, hơn 27.400 túi chế phẩm xử lý rơm… Trên lĩnh vực chăn nuôi thủy sản, ngành chức năng đã tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng quy trình sản xuất giống tôm càng xanh theo phương pháp nước xanh cải tiến; tổ chức 55 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và cách phòng trị bệnh thủy sản an toàn sinh học, các biện pháp giảm chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu…
Trong công nghệ chế biến, ngành chức năng đã chuyển giao và ứng dụng thành công quy trình công nghệ sản xuất nước tương đạt chuẩn 3- MCPD cho sáu cơ sở sản xuất nước tương trong tỉnh. Công nghệ vi sinh ứng dụng trong hệ thống xử lý nước thải tại hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế, xử lý nước thải trong quá trình chế biến thực phẩm… Kết quả trên, đã kịp thời đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường, được nhân dân các huyện, thị xã hưởng ứng và tích cực tham gia.
Ý kiến ()