Ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tại Olympic 2020
Ảnh minh họa |
Hệ thống nhận diện khuôn mặt, do Công ty NEC phát triển, có thể quản lý được 400.000 người, sẽ hỗ trợ cho công tác bảo đảm an ninh, giúp loại bỏ các vấn đề như giả mạo hoặc đánh cắp thẻ ra vào.
Hệ thống này cũng rút ngắn thời gian kiểm tra, giúp các vận động viên, giới chức và báo chí nhanh chóng tiếp cận địa điểm diễn ra sự kiện. Ngoài ra, hệ thống có thể giải quyết nhanh và chính xác các trường hợp vận động viên bị mất thẻ thành viên, thủ tục khi vào các địa điểm trong sự kiện.
Để hệ thống hoạt động chính xác, ảnh chụp khuôn mặt sẽ được nạp trước vào cơ sở dữ liệu và được dùng để đối chiếu với khuôn mặt của vận động viên, quan chức, phóng viên khi vào sự kiện.
Hãng điện tử NEC vốn có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhận diện khuôn mặt. Họ sẽ có khoảng 2 năm nữa để hoàn thiện công nghệ này nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các sự kiện sau này, bắt đầu là Olympics 2020.
Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ cao này cũng gặp phải khá nhiều ý kiến trái chiều, chẳng hạn như người ta lo sợ về việc mất quyền tự do, sự riêng tư cá nhân của các vận động viên. Đó là điều mà các nhà chức trách Nhật Bản và Ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020 cần phải cân nhắc và đưa ra quyết định thật kĩ lưỡng.
NEC là hãng có thâm niên phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt. Năm 2014, hãng cho ra mắt hệ thống NeoFace giúp Sở Cảnh sát Chicago (Mỹ) theo dõi tội phạm trong danh sách đen.
NeoFace có khả năng phân tích khuôn mặt trực tiếp từ camera an ninh, đồng thời tìm kiếm nhân dạng trong cơ sở dữ liệu và cảnh báo chính quyền khi có dữ liệu phù hợp.
Ý kiến ()