Ứng dụng công nghệ để quản lý, khai thác hiệu quả di sản tư liệu
Số hóa được coi là bước phát triển cao của lưu trữ và lưu truyền di sản văn hóa, đồng thời là bước tiến mới của quá trình quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Hướng đi này đang được nhiều đơn vị làm nhiệm vụ lưu trữ, bảo tồn di sản tư liệu áp dụng triển khai nhằm quản lý, khai thác hiệu quả di sản văn hóa, lịch sử quý giá của dân tộc.
Tạo điểm đến hấp dẫn từ di sản
Ngày 22-9, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tổ chức sự kiện “Hành trình di sản trong thời đại số” và ra mắt không gian Triển lãm số Mộc bản triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh năm 2009, để giới thiệu đến công chúng và các nhà nghiên cứu hình thức triển lãm di sản mới.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV cũng là đơn vị lưu trữ đầu tiên của Việt Nam ra mắt không gian triển lãm số, đưa người xem trải nghiệm ứng dụng Hologram (kỹ thuật chụp lại và tái dựng hình ảnh 3 chiều của vật thể) để hiểu về câu chuyện mộc bản.
Hình ảnh trong không gian Triển lãm số Mộc bản triều Nguyễn chuyên đề “Thiên hùng ca sử Việt” của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV |
Tại không gian triển lãm số, người xem được sử dụng công nghệ thực tế ảo VR 360 để tìm hiểu mộc bản và quá trình hình thành bộ tư liệu quý giá này qua những chuyên đề cụ thể: “Mộc bản-Bảo vật hoàng triều”, sử dụng công nghệ 3D mapping và công nghệ cảm ứng trên kính đã truyền tải chân thực về lịch sử hình thành mộc bản dưới triều Nguyễn; “Quy trình biên soạn và khắc in mộc bản”; “Thiên hùng ca sử Việt”, những tác phẩm bất hủ “Chiếu dời đô”, “Hịch tướng sĩ”, bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”, “Bình Ngô đại cáo”… được giới thiệu bằng công nghệ thực tế ảo VR 360.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Việc ra mắt không gian triển lãm số tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV mở ra quá trình quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Các hoạt động này giúp Trung tâm trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, gần gũi và bổ ích cho khách du lịch, các chuyên gia trong và ngoài nước.
“Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo các trung tâm lưu trữ quốc gia vừa phải làm tốt công tác bảo quản tài liệu lưu trữ quốc gia, vừa phải phát huy nguồn di sản quý này. Các trung tâm lưu trữ quốc gia cũng tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Sự kiện văn hóa “Hành trình di sản trong thời đại số” là một trong những hoạt động của Đề án “Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016, hiện đang triển khai giai đoạn 2 (2021-2025). Đây là hoạt động vừa thể hiện truyền thống lịch sử, văn hóa, vừa khẳng định chủ quyền quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh.
Mộc bản triều Nguyễn là loại hình tài liệu đặc biệt về hình thức, nội dung và phương thức chế tác; là bản gốc của các bộ chính văn, chính sử nổi tiếng của Việt Nam, được biên soạn, khắc in chủ yếu dưới triều Nguyễn, với nhiều chủ đề như: Lịch sử, địa lý, chính trị-xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn thơ… Đây là nguồn sử liệu tin cậy, còn khá nguyên vẹn để khảo cứu, đối chiếu, phục vụ việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Thúc đẩy các giải pháp phát huy di sản
Tại Việt Nam, di sản tư liệu chỉ được biết đến trong những năm gần đây, sau khi Mộc bản triều Nguyễn trở thành di sản tư liệu thế giới đầu tiên được UNESCO công nhận. Hiện nay, Việt Nam có 3 di sản tư liệu thế giới, gồm: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, bia Tiến sĩ Văn Miếu-Quốc Tử Giám; cùng 6 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các nhà chuyên môn cho rằng, di sản tư liệu ở Việt Nam có khối lượng đồ sộ và tồn tại ở nhiều nơi, trong các cơ sở thuộc Nhà nước quản lý, như thư viện, bảo tàng, trung tâm lưu trữ… và trong các cơ sở tư nhân, như nơi thờ tự, họ tộc, tư gia. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu thống kê thật sự đầy đủ, chính xác về số lượng tư liệu quý của Việt Nam.
Các đại biểu tham quan không gian trưng bày, giới thiệu Di sản Mộc bản triều Nguyễn ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV |
Giống như các di sản văn hóa khác, di sản tư liệu vốn rất mong manh và nhạy cảm dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội. Vì vậy, công tác kiểm kê, nhận diện, bảo vệ di sản tư liệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhưng thực tế, công tác này đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập do công tác quản lý nhà nước về di sản tư liệu còn bỏ ngỏ.
Việt Nam tham gia Chương trình “Ký ức thế giới” từ năm 2007, nhưng di sản tư liệu chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị. Bên cạnh đó, chưa có quy định hướng dẫn, tư vấn quy trình, phương thức thực hiện việc kiểm kê, nhận diện, lập hồ sơ, bảo quản thích hợp đối với từng loại hình di sản tư liệu cũng như cơ chế tiếp cận, khai thác…
PGS, TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) bày tỏ lo ngại, nguồn di sản tư liệu dù phong phú đến mức nào nhưng nếu không được quản lý, phát huy tốt thì sẽ sớm dẫn đến hư hại, mất mát, đó chính là “sự kiệt quệ có hại” theo quan niệm đã dẫn của UNESCO.
“Không ít bia đá đang phơi mình dưới phong sương, nhiều kho mộc bản chưa được bảo quản tốt, nguồn thư tịch cổ chưa được đầu tư đúng mức sẽ dẫn đến hư hại, đó là chưa kể đến sự thất thoát thư tịch cổ Việt Nam ra nước ngoài. Sự kiện Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV triển khai đề án số hóa di sản tư liệu với giải pháp mới góp sức định hướng, thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ cho các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bên cạnh đó, sự chung tay của các doanh nghiệp, cụ thể là không gian Triển lãm số Mộc bản triều Nguyễn được thực hiện từ nguồn tài trợ Quỹ Đổi mới sáng tạo của Vingroup mở ra những tín hiệu đáng mừng trong việc phát huy di sản hiệu quả, bền vững”, PGS, TS Nguyễn Tuấn Cường cho hay.
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) cho rằng, cơ quan nhà nước vẫn phải là đơn vị đi tiên phong trong quảng bá, chia sẻ tư liệu mà triển lãm chỉ là một trong những hoạt động cần thực hiện. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc chia sẻ ký ức, chia sẻ thông tin trở thành nhu cầu và là một xu hướng đáng lưu ý.
Nâng niu ký ức, giữ gìn di sản không có nghĩa là giữ riêng nó cho cá nhân, gia đình hay các cơ quan lưu trữ. Di sản cần được gìn giữ ngay trong ý thức của từng cá nhân với sự hiểu biết và tình yêu gia đình, quê hương, Tổ quốc.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/ung-dung-cong-nghe-de-quan-ly-khai-thac-hieu-qua-di-san-tu-lieu-744462
Ý kiến ()