Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh: Động lực giúp hợp tác xã nông nghiệp vươn lên
– Với sự chủ động, nỗ lực của các hợp tác xã (HTX) và sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn.
Nỗ lực từ các HTX
Được thành lập từ tháng 7/2020, HTX Thành Lộc, huyện Lộc Bình có 7 thành viên với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống gà 6 ngón Mẫu Sơn. Ông Lý Minh Hiếu, Giám đốc HTX cho biết: Gà 6 ngón Mẫu Sơn là giống gà bản địa của tỉnh. Tuy nhiên do việc phát triển, bảo tồn và khai thác chưa đúng cách dẫn tới giống gà này đang bị pha tạp, chất lượng con giống không đảm bảo.
Mô hình nuôi gà 6 ngón Mẫu Sơn tại HTX Thành Lộc, huyện Lộc Bình
Từ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, cộng với sự chủ động tìm tòi, học hỏi, HTX đã ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao để sản xuất thành công con giống gà 6 ngón Mẫu Sơn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Việc thụ tinh nhân tạo giảm kinh phí nuôi gà trống làm giống bởi 1 con gà trống có thể bố trí thụ tinh cho 75 gà mái đẻ. Sau khi tiến hành thụ tinh nhân tạo, trứng gà đẻ ra sẽ được bảo quản trong nhà lạnh, sau đó qua phòng xông khử trùng cho vào máy ấp trứng, máy nở… Từ tháng 7/2021 đến nay, HTX xuất bán ra thị trường 50.000 con gà giống 6 ngón Mẫu Sơn đảm bảo tiêu chuẩn. Ngoài ra, HTX đang triển khai mô hình nuôi gà 6 ngón thương phẩm với sản lượng khoảng 2 tấn gà/tháng, doanh thu ước đạt 300 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân của thành viên đạt 8 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự như HTX Thành Lộc, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã góp phần quan trọng giúp HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp An Hồng, thành phố Lạng Sơn có những bước phát triển vững chắc. Được thành lập từ năm 2019, HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi lợn giống và lợn thịt. Bà Lưu Thu Hiền, Giám đốc HTX cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình gây giống, chăm sóc, HTX đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, HTX đã đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc để đảm bảo khử khuẩn cho người, thiết bị khi ra, vào khu chăn nuôi đảm bảo quy trình an toàn phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Từ đó, trong suốt quá trình chăn nuôi, HTX không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, ngoài duy trì 200 con lợn nái, 2.000 con lợn thịt tại cơ sở chăn nuôi, HTX đã mở rộng thêm cơ sở chăn nuôi tại huyện Bình Gia với quy mô 700 lợn nái và 2.000 con lợn thịt. Hoạt động ổn định, HTX tạo việc làm cho 50 lao động với thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với 2 HTX kể trên, những năm gần đây, thay vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào các quy trình sản xuất, kinh doanh.
Hỗ trợ của Nhà nước
Trên thực tế, có những HTX nông nghiệp đã nhìn ra được việc cần ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó mới nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh ngoài thị trường và mục tiêu cao nhất là hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn cũng gặp phải nhiều khó khăn như: thiếu vốn để đầu tư; thiếu nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công việc; chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh phù hợp…
Trước thực tế như vậy, để giúp các HTX đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó có việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, các cấp, ngành đã có những giải pháp cụ thể để từng bước hỗ trợ, tháo gỡ.
Cụ thể để nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý HTX, từ năm 2016 trở lại đây (trừ những năm bị ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19), bình quân mỗi năm, Liên minh HTX tỉnh cùng các cơ quan liên quan đã tổ chức 11-15 lớp tập huấn về công tác quản lý, điều hành; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp điều kiện thực tiễn từng địa bàn, ngành nghề; cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; xúc tiến thương mại… cho khoảng 600 cán bộ quản lý HTX.
Cùng với duy trì tuyên truyền, tập huấn nâng cao trình độ, nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX, các cấp, ngành liên quan đã triển khai các giải pháp thiết thực để hỗ trợ HTX. Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để hỗ trợ các HTX nói chung, trong đó có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, từ năm 2020 đến nay, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố đã tập trung triển khai các giải pháp để triển khai các chính sách hỗ trợ HTX theo Nghị quyết 08, Nghị quyết 15 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025.
Cụ thể đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 HTX được vay vốn hỗ trợ lãi suất với dư nợ gần 20 tỷ đồng; hỗ trợ 28 trí thức trẻ về làm việc tại 26 HTX; hỗ trợ 90 lượt HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng sản phẩm OCOP.
Ngoài chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 08, Nghị quyết 15, đến nay trên địa bàn tỉnh có 24 HTX (với 26 dự án) được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với dư nợ 5,72 tỷ đồng; 23 HTX vay vốn tại các ngân hàng thương mại với dư nợ gần 82 tỷ đồng. Từ các nguồn lực hỗ trợ như vậy đã góp phần giúp các HTX có thêm điều kiện đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh ngoài thị trường.
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 44 HTX, trong đó có 39 HTX nông nghiệp, trong số này có 7 HTX ứng dụng công nghệ và đang từng bước tiến tới ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Để có kết quả này, UBND huyện đã phối hợp với cơ quan liên quan triển khai các biện pháp để hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, trong đó có việc hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX; rà soát, lựa chọn các mô hình phù hợp để ứng dụng công nghệ cao vào từng khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Từ sự chủ động của các HTX và sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước đã tạo động lực cho nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ý kiến ()