Ứng dụng công nghệ cao trong nghề nuôi cá lồng trên biển
Việt Nam có tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy hải sản, trong đó có nghề nuôi cá lồng. Thời gian qua, nghề nuôi cá lồng trên biển đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần giữ vững an ninh và chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế biển, nuôi trồng hải sản nói chung và nuôi cá lồng trên biển nói riêng. Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã thông qua “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” có mục tiêu chiến lược là nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển đến năm 2020 trong đó có mục tiêu đẩy mạnh phát triển nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo. Triển khai nghị quyết của Đảng, thời gian qua, nghề nuôi cá lồng biển không ngừng phát triển.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, năm 2017, tổng diện tích tiềm năng nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo ở nước ta khoảng 244.190 ha, trong đó diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300 ha, chiếm 62%. Diện tích nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha, chiếm 33% và nuôi vùng biển mở 11.100 ha, chiếm 5%. Biển Việt Nam có nhiều loài cá phân bố tự nhiên có thể đưa vào nuôi như nhóm cá song, cá hồng, cá cam, cá tráp, cá giò, cá vược… Trong chương trình nuôi, đến năm 2020 Việt Nam dự kiến đạt sản lượng 200.000 tấn cá biển nuôi trong đó 50.000 tấn là nuôi theo quy mô lớn.
Thực tế cho thấy, nuôi cá biển được khởi đầu từ giữa những năm 1990 với công nghệ nuôi đơn giản. Lồng nuôi ở giai đoạn này chỉ là lồng khung gỗ trong những khu vực vũng vịnh nông có sự che chắn tự nhiên bởi các đảo để giảm thiểu tác động của bão, sóng gió lớn và dòng chảy mạnh như ở Cát Bà (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh) và Nha Trang (Khánh Hòa). Nguồn giống được vớt từ tự nhiên, sử dụng thức ăn cá tạp từ đánh bắt, cá thương phẩm chủ yếu được tiêu thụ bởi khách du lịch tại chỗ trong các nhà hàng, khách sạn.
Từ năm 1995, nước ta bắt đầu nghiên cứu công nghệ sản xuất giống và dần đa dạng hóa loài nuôi cùng với các nghiên cứu về thiết kế và chế tác lồng, dinh dưỡng, sản xuất thức ăn, mở rộng thị trường trong nước và tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Lồng nuôi được nghiên cứu hướng tới khả năng chịu sóng bão, giảm thiểu việc phụ thuộc vào gỗ, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường biển, chống chịu tốt hơn với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu ở vùng biển có độ sâu lớn hơn, ít được che chắn hơn.
Nuôi cá lồng trên biển đã mang lại những lợi ích to lớn cho ngành nuôi cũng như hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch biển đảo, góp phần đảm bảo chủ quyền quốc gia trên biển. Trong giai đoạn 2010-2016, nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo đã có những bước phát triển đáng kể, cả về diện tích, số lượng và thể tích ô lồng. Nếu năm 2010, tổng số ô lồng đạt 30.031 lồng, thì đến năm 2015 đạt 172.119 lồng. Năm 2016, diện tích cá biển nuôi đạt 6.300 ha và 1.164.643 m3 lồng. Qua đó, sản lượng đã không ngừng tăng. Năm 2010 sản lượng nuôi lồng đạt 15.751 tấn, đến năm 2015 sản lượng nuôi lồng đạt 30.000 tấn. Các đối tượng cá biển được nuôi chủ hiện nay bao gồm cá song, cá giò, cá cam, chép biển, tráp đỏ, cá vược, cá đối mục, cá dìa, cá chim vây vàng… Trong đó đối tượng cá song, cá giò, cá vược là các đối tượng nuôi phố biến nhất. Các tỉnh nuôi cá biển trọng điểm là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu. Khu vực quần đảo Trường Sa chủ yếu nuôi cá chim trắng, cá hồng và cá vược mõm nhọn.
Về công nghệ nuôi cá biển trong lồng, có thể phân thành hai nhánh là nuôi kiểu truyền thống được thực hiện đối với lồng khung gỗ hình chữ nhật hay hình vuông và nuôi lồng tròn khung nhựa HDPE. Hai công nghệ này có nhiều khác biệt trên các khía cạnh về kỹ thuật và công nghệ, quản lý môi trường, bệnh ở và kiểm soát an toàn thực phẩm. Nuôi lồng gỗ thường được thực hiện ở các vũng vịnh tương đối kín và được che chắn bởi các đảo làm giảm đáng kể sự khắc nghiệt của gió bão, dòng chảy, sóng. Nuôi lồng tròn nhựa HDPE cũng đồng nghĩa với việc nuôi theo hệ thống lồng nuôi biển quy mô lớn hay còn gọi là quy mô công nghiệp ở những vùng biển mở với nhiều khâu sản xuất được cơ giới hóa.
Để nâng cao hiệu quả của nuôi cá lồng, mô hình trang trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp công nghệ cao được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 phát triển trên nền tảng công nghệ nuôi cá lồng của Na Uy thực hiện tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Mô hình có thể sản xuất được 100-200 tấn cá/năm (cá chim, cá giò, cá vược…) với năng suất nuôi đạt từ 8-12 kg/m3. Tỉ suất lợi nhuận trên chi phí đầu tư cao hơn so với mô hình nuôi nhỏ lẻ. Quy trình vận hành nuôi sử dụng hệ thống thiết bị đồng bộ như tàu vận chuyển chuyên dụng có gắn cần cẩu, ca nô, máy cho ăn và cơ sở hậu cần như nhà bè nổi, kho chứa thức ăn, dụng cụ. Tác động của hoạt động nuôi đối với môi trường được giám sát định kỳ và được đánh giá dựa trên phương pháp mô hình hóa – quản lý hoạt động nuôi – giám sát môi trường trong quá trình nuôi (MOM) do Na Uy phát triển.
Theo ông Mai Văn Tài – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, quy trình nuôi biển quy mô công nghiệp của Viện đã đạt chứng nhận VietGap. Sản phẩm cá biển của dự án đạt yêu cầu về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, được thương mại hóa thông qua các kênh phân phối ở các chợ đầu mối hải sản lớn, hệ thống siêu thị và bước đầu khai thác thị trường xuất khẩu sang Mỹ. Đây là kết quả của Dự án do Na Uy tài trợ là “Nâng cao năng lực nghề nuôi cá biển Việt Nam” (2011-2016). Một số đề tài, dự án nghiên cứu của Nhà nước do Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1 như đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng hệ thống thiết bị đồng bộ và quy trình vận hành trang trại nuôi cá lồng vùng biển mở”; và dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị nuôi cá lồng vùng biển mở và ứng dụng nuôi cá giò thương phẩm” cũng đã góp phần vào quá trình từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, lắp đặt lồng nuôi cá biển chịu sóng và quy trình công nghệ nuôi cá biển ở quy mô công nghiệp.
Ngoài hệ thống lồng quy mô nuôi công nghiệp và quy trình vận hành nuôi của Viện, một số công ty tư nhân của Na Uy và Úc cũng đã đầu tư một số trang trại nuôi quy mô công nghiệp như công ty Marine Farm AS (Na uy), Australis (Australia) ở vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Riêng khu vực nuôi cá biển của công ty Australis ở vịnh Vân Phong 3.000 tấn/năm với chủ yếu là cá giò và cá song.
Tuy nghề nuôi cá lồng trên biển đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng còn không ít tồn tại, thách thức. Các trại sản xuất cá lồng quy mô công nghiệp thường được đặt ở vùng biển có độ sâu lớn, xa đất liền, xa đảo lớn có đông dân cư để tránh ô nhiễm và xung đột với các hoạt động kinh tế khác. Sự biệt lập này cũng làm cho việc cung ứng vật tư, đi lại của công nhân, cứu hộ cứu nạn, tránh trú bão trở nên khó khăn.
Để đáp ứng nuôi công nghiệp cá lồng biển quy mô công nghiệp, cần rất nhiều bên tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng từ quá trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, cung ứng giống, vật tư lồng lưới, vận chuyển, cung cấp thức ăn, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, từng khâu của chuỗi giá trị gia tăng này còn có nhiều bất cập. Một số nhiều thành tựu và đột phá, tiến bộ hay dịch vụ về công nghệ lồng nuôi quy mô lớn chưa được phổ biến rộng rãi. Số lượng và quy mô trại giống còn thấp. Đến năm 2015 có khoảng 32 cơ sở tham gia sản xuất cá biển với số giống sản xuất được hàng năm đạt 30 triệu con so với nhu cầu khoảng 200 triệu giống. Nhiều đối tượng đang phát triển nuôi nhưng chưa sản xuất được giống mà phải sử dụng giống tự nhiên.
Việc sản xuất thức ăn chuyên biệt cho từng đối tượng nuôi ở các giai đoạn khác nhau cũng chưa được nghiên cứu và sản xuất ở quy mô lớn do quy mô của ngành nuôi cá biển chưa đủ lớn để thu hút các công ty đầu tư. Sử dụng vắc-xin là một hướng đi tất yếu trong nuôi cá biển quy mô công nghiệp nhưng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin phòng bệnh vibriosis trên cá giò. Mặc dù có tiềm năng rất lớn về diện tích nhưng việc đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố hỗ trợ cho việc ra quyết định phân vùng và lựa chọn địa điểm nuôi, loài nuôi, quy mô nuôi còn rất nhiều hạn chế và cần có sự tham gia của nhiều ngành như nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản; du lịch; giao thông; quản lý tài nguyên.
Một vấn đề khác là phải đảm bảo sức tải môi trường cho các vùng nuôi mới ngoài khơi. Khi phát triển nuôi quy mô lớn ở vùng biển mở có độ sâu và dòng chảy lớn hơn, xa các hoạt động kinh tế ven bờ thì ô nhiễm từ bên ngoài tới các vùng nuôi sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, ô nhiễm cục bộ do các trại nuôi gây ra lên trầm tích và khu hệ động thực vật xung quanh có thể xảy ra nếu không có các biện pháp kiểm soát thích hợp, trong khi hiện nay nước ta chưa có các quy định, tiêu chuẩn, phương pháp cụ thể cho quản lý môi trường bệnh với nuôi cá lồng ngoài khơi.
Phát triển thị trường và quảng bá thương hiệu cũng còn nhiều tồn tại. Thị trường chủ yếu cho cá biển nuôi hiện nay là phục vụ khách du lịch, bán ở một số siêu thị, nhà hàng và xuất tiểu ngạch đi Trung Quốc, chỉ một số ít các công ty nuôi quy mô lớn như Autralis (khoảng 3.000 tấn/năm), Marine Farms Vietnam hay trang trại Trình diễn của Dự án SRV 11/0027 ở Vân Phong, Khánh Hòa là xuất cá đi một số thị trường như Mỹ, Úc, Đài Loan. Mặt khác, các sản phẩm nuôi ven bờ đang chiếm tỷ trọng lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ sản phẩm nuôi trong điều kiện sạch hơn ngoài khơi do chúng dễ bị đánh đồng với nhau, đặc biệt là khi có những sự cố về truyền thông đại chúng không chính xác mà nhận thức của người tiêu dùng hãy còn nhiều hạn chế.
Như vậy, ngành nuôi cá biển phải vượt qua thách thức trong phát triển thị trường khi sản lượng nuôi lớn là rất quan trọng. Cần nghiên cứu thị trường đối với sản phẩm tươi và đông lạnh; và nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị gia tăng, thiết lập mạng lưới thông tin về một số đối tượng nuôi chính.
Cần khẳng định, phát triển nuôi cá lồng biển công nghệ cao không tách rời các mục tiêu phát triển của ngành nuôi trồng thuỷ sản nói chung cũng như nuôi cá biển nói riêng. Phát triển nuôi cá lồng biển công nghệ cao vừa là hướng đi đột phá, vừa là hướng đi tích cực cho sự phát triển bền vững của ngành trên rất nhiều phương diện về khoa học công nghệ, kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng biển đảo. Nuôi cá biển quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam đã được chứng minh trong thực tế là hoàn toàn khả thi về kinh tế kỹ thuật.
Theo đó, ngoài các giải pháp vẫn thường được đề cập đến trong các chiến lược và quy hoạch của ngành nuôi trồng thuỷ sản, cần tập trung vào thực hiện các giải pháp về phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế là những giải pháp có tính then chốt mang đặc thù của lĩnh vực nuôi cá lồng trên biển công nghệ cao. Cần tập trung vào phát triển công nghệ là: Phát triển và ứng dụng công nghệ lồng và xây dựng công trình hỗ trợ nuôi nuôi chịu sóng, bão. Xây dựng và ứng dụng các công cụ mô hình hóa, viễn thám, phương pháp đánh giá để hỗ trợ đánh giá sức tải môi trường và phân vùng, lựa chọn địa điểm nuôi. Ứng dụng công nghệ tin học, trong giám sát môi trường và bệnh, theo dõi hoạt động của vật nuôi và đảm bảo an toàn vận hành và quản lý trang trại. Cải tiến công nghệ sản xuất và vận chuyển giống quy mô lớn áo dụng an toàn sinh học. Cải tiến công nghệ sau thu hoạch từ trang trại nuôi đến nhà máy chế biến.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế để tận dụng lợi thế của người đi trước để học tập, tiếp nhận và rút kinh nghiệm từ việc phát triển khoa học công nghệ trong nuôi cá biển của các nước khác như Na Uy, Chi Lê, Trung Quốc, … đặc biệt là Na Uy là nước nuôi cá biển hàng đầu và đã từng bước hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ nuôi đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Ngoài ra, việc mở rộng và và tìm kiếm thị trường mới, tạo thương hiệu cho sản phẩm nuôi cũng có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển nuôi cá lồng bền vững./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()