Ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp
(LSO) – Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào lĩnh vực lâm nghiệp được triển khai mạnh mẽ. Việc ứng dụng này không chỉ dừng lại ở nhân giống cây trồng, sản xuất và chế biến gỗ mà còn cả trong quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, phòng chống cháy rừng… Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với đất và tài nguyên rừng đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Ứng dụng KHCN trong cảnh báo, phát hiện sớm cháy rừng, năm 2017 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắp đặt 5 biển báo cháy tự động tại hạt kiểm lâm các huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn và Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Theo đó, hệ thống này được kết nối với Đài khí tượng thuỷ văn sau khi phân tích nhiệt độ, độ ẩm không khí, tốc độ gió… dữ liệu được truyền về máy chủ. Máy chủ truyền dữ liệu cũng như cấp độ cảnh báo đến các biển báo cháy tự động. Nhờ đó, đơn vị quản lý cũng như người dân trong khu vực nắm được tình hình và có cách dự phòng.
Chế biến gỗ tại Hợp tác xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng
Để phát hiện sớm điểm cháy, sở đã trang bị trạm thu ảnh vệ tinh. Hằng ngày, trạm thu đều thu nhận ảnh từ vệ tinh, tại đây, cán bộ theo dõi sẽ cập nhật và phát hiện khu vực có cháy. Song song với đó, phần mềm “Phát hiện cảnh báo sớm cháy rừng” tích hợp dữ liệu nền hiện trạng rừng, giúp người dùng xác định được vị trí điểm cháy. Các điểm cháy được chỉ ra bao gồm cả điểm cháy trong rừng và ngoài rừng nhằm giúp chủ rừng, người có trách nhiệm kiểm soát không cho đám cháy lan rộng. Thông tin cảnh báo cháy rừng được cập nhật liên tục, tự động gửi tin nhắn đến số điện thoại của bộ phận thường trực.
Nhờ ứng dụng công nghệ viễn thám mà việc theo dõi tài nguyên rừng được triển khai thuận lợi và có độ chính xác cao, không tốn nhiều thời gian, công sức. Nhờ công nghệ này, người thực hiện không phải đo đạc thủ công tại hiện trường mà chỉ cần thông qua ảnh giải đoán cập nhật sự thay đổi, sau đó, kiểm chứng một số điểm trên thực địa. Mỗi năm, Chi cục Kiểm lâm cập nhật sự thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp với diện tích trung bình khoảng 30.000 ha. Việc cập nhật thường xuyên, kịp thời biến động về rừng và đất lâm nghiệp góp phần làm tốt công tác quản lý tài nguyên rừng cũng như lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương được chính xác, đúng thực tế.
KHCN không chỉ được ứng dụng trong phòng chống cháy rừng, quản lý bảo vệ rừng mà còn được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, các nhà vườn trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã nhân rộng phương pháp nhân giống cây trồng bằng phương pháp dâm hom và nuôi cấy mô tế bào. Hai phương pháp này có ưu điểm nổi trội là giữ nguyên những tính trạng di truyền tốt của cây mẹ. Bằng cách làm này, năm 2018, toàn huyện đã xuất hơn 100 triệu cây giống đi các địa phương trên cả nước.
Trong sản xuất và chế biến gỗ, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiếp cận công nghệ tiên tiến của thế giới và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Công ty Cổ phần Sao Bắc Việt, huyện Hữu Lũng đã ứng dụng KHCN trong sản xuất các vật liệu nhân tạo từ nguyên liệu gỗ như: ván dán, ván MDF. Đặc biệt, ứng dụng kỹ thuật CNC (điều khiển bằng máy tính) trong sản xuất đồ gỗ, nội thất, đồ gỗ xây dựng vì vậy, thành phẩm tạo ra có sự đồng nhất và độ chính xác cao. Nhờ ứng dụng công nghệ này, sản phẩm của công ty đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hàn Quốc với sản lượng 25.000 m3 sản phẩm/năm.
Tận dụng nguồn phế phẩm trong quá trình chế biến gỗ như mùn cưa, ván bóc hỏng, cành, nhánh cây… , các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động 2 nhà máy chế biến viên nén gỗ để làm nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện tại Nhật Bản. Việc vận hành nhà máy sản xuất viên nén gỗ không chỉ tận dụng được nguyên liệu dư thừa mà còn khắc phục tình trạng ô nhiễm do đốt phế thải từ các xưởng chế biến gỗ.
Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ứng dụng KHCN trong phát triển lâm nghiệp được chúng tôi đặc biệt quan tâm, khuyến khích. Sở đang xây dựng dự thảo đề án của UBND tỉnh về phát triển lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, phát triển lâm nghiệp theo hướng công nghệ cao và nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích mà mục tiêu xuyên suốt.
Ý kiến ()