Ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau an toàn
Nông dân xã Gia Cát (Cao Lộc) chăm sóc rau an toàn trong nhà lưới |
Triển khai công nghệ sản xuất mới
Từ năm 2015 đến nay, huyện Cao Lộc liên tục tập trung triển khai mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Liên, Gia Cát. Hằng năm, các mô hình đều có kết quả tốt. Cụ thể năm 2015 và 2016, mô hình đạt năng suất 13,5 tấn/ha, ước tổng sản lượng đạt gần 110 tấn. Năm 2017, UBND huyện Cao Lộc tập trung nâng diện tích triển khai mô hình sản xuất RAT lên trên 10 ha tại 2 xã trên. Sản lượng RAT năm nay ước đạt gần 620 tấn, cho giá trị kinh tế trên 7 tỷ đồng, giúp mỗi hộ có thu nhập khoảng 21 triệu đồng/vụ.
Không dừng lại ở trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, UBND huyện tiếp tục phối hợp triển khai đưa công nghệ cao vào sản xuất RAT. Theo đó, trong tháng 3/2017, huyện lắp đặt hệ thống nhà lưới trên quy mô diện tích hơn 1.500 m2. Hệ thống nhà lưới gồm 18 module và hệ thống tưới nước tự động, lưới chống nắng. Sau khi hệ thống được hoàn thiện, đưa vào sử dụng, một số xã viên Hợp tác xã (HTX) Rau, củ, quả sạch Gia Cát đã trồng một số loại rau trong nhà lưới. Chị Hoàng Thị Tuyến, thôn Bắc Đông II, xã Gia Cát cho biết: Nhà tôi trồng các loại rau trên diện tích 840 m2 trong nhà lưới. So với cách trồng rau truyền thống thì trồng rau trong nhà lưới dễ chăm sóc, không tốn phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật. Cây rau cũng ít sâu bệnh và to, khỏe hơn. Từ giữa năm 2017 đến nay, tôi đã thu lãi 9,7 triệu đồng từ trồng dưa chuột, su hào, cải ngọt, cải xanh trong nhà lưới.
Không chờ nhà nước đầu tư, năm nay, HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động trong sản xuất rau. Theo đó, hệ thống được lắp đặt trên diện tích 3.600 m2 trong vùng trồng củ cải trắng tại thôn Bắc Nga. Hệ thống gồm 1 máy bơm, 900 m ống dẫn phi 60 và phi 32 cùng 100 bép phun nước. Hệ thống vận hành giúp HTX chỉ đầu tư 1 lần và chi phí tiền điện hằng tháng, tiết kiệm tối đa chi phí nhân công tưới cây. Anh Hoàng Văn Thuận, Phó Giám đốc HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát cho biết: Sử dụng hệ thống thì mỗi tháng, HTX chỉ chi phí khoảng 1 triệu đồng tiền điện bơm nước thay vì mất 18 triệu đồng trả tiền nhân công. Công nghệ này dễ sử dụng lại tưới đủ, đều lượng nước giúp cây phát triển tốt hơn so với cách tưới thủ công.
Hướng tới quy trình sản xuất hiện đại hơn
Các công nghệ tiên tiến đã và đang được triển khai ứng dụng trong sản xuất RAT tại huyện Cao Lộc. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm tổ chức sản xuất RAT trong nhà lưới nên bước đầu, người nông dân còn lúng túng, chưa làm chủ được công nghệ. Cùng với đó, kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên hệ thống tưới nước tự động của HTX rau, củ, quả sạch Gia Cát chưa đáp ứng hết diện tích 3 ha trồng củ cải.
Để ứng dụng hiệu quả hơn nữa các kỹ thuật, khoa học công nghệ mới vào sản xuất, thời gian tới, huyện Cao Lộc tiếp tục nâng cấp các hạ tầng công nghệ có sẵn, đồng thời kiến nghị các cấp, ngành chức năng triển khai công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn vào sản xuất RAT. Ông Bế Thanh Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian tới, huyện hướng tới triển khai, ứng dụng khoa học, kỹ thuật hợp tác xây dựng hệ thống thông tin thời tiết, cảnh báo thiên tai, sâu bệnh cấp tỉnh; cung cấp sim (điện thoại) khuyến nông chăm sóc khách hàng nông nghiệp và để nông dân được cập nhật thông tin thời tiết, những bản tin chuyên sâu về trồng trọt, chăn nuôi…; ứng dụng quy trình điện tử e-VietGAP để quản lý minh bạch việc sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện phòng đã tham mưu UBND huyện đề xuất, kiến nghị Viện Phát triển công nghệ và giáo dục thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam sớm chuyển giao các công nghệ.
Hình thành vùng sản xuất rau an toàn Tân Liên – Gia Cát là 1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 của huyện Cao Lộc. Trong năm 2017, UBND huyện đã trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện Dự án đầu tư sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Cao Lộc giai đoạn 2016 – 2019. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, huyện sẽ khẩn trương triển khai dự án. |
Ý kiến ()