Ứng dụng công nghệ cảnh báo tai nạn
Công nhân kỹ thuật lắp đặt thiết bị Mobileye cảnh báo, chống đâm va, tai nạn cho phương tiện.
Thiết bị hữu ích cảnh báo nguy cơ tai nạn
Thiết bị cảnh báo đâm va của hãng Mobileye – Intel do I-xra-en phát minh được nhiều chuyên gia về ATGT trên thế giới đánh giá là giải pháp công nghệ hàng đầu thế giới trong việc ngăn ngừa TNGT với tỷ lệ cảnh báo chính xác tới hơn 99% và là một tổ hợp duy nhất bao gồm đầy đủ các tính năng cần thiết cảnh báo, chống đâm va cho xe tự lái. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ thị giác nhân tạo trong lĩnh vực cảnh báo đâm va và lái xe tự động, vận hành như con mắt thứ ba và bộ não thứ hai của lái xe trên đường, giúp lái xe giám sát liên tục cung đường phía trước và cả những điểm mù của xe (nếu lắp thêm ca-mê-ra phụ trợ bên hông xe).
Nhiều lái xe đã mua và sử dụng Mobileye cũng khẳng định, thiết bị này không chỉ phù hợp ở các nước châu Âu hay Mỹ, mà còn phù hợp điều kiện đường sá Việt Nam. Khi xe chạy trên đường nội đô có nhiều ô-tô, xe máy, xe đạp và người đi bộ hỗn hợp, hệ thống sẽ xác định và tính toán các vật thể di chuyển trong tầm hoạt động của mắt thần về khả năng xảy ra va chạm, nếu chỉ ở mức độ thông báo thông thường, thiết bị hiển thị hình người mầu đỏ, nhưng khi người đó di chuyển rất gần, tạt ngang khi bạn sắp tiếp cận, hoặc đang di chuyển về phía bạn với tốc độ nhanh thì hệ thống sẽ cảnh báo bằng âm thanh với nhịp độ nhanh, nghĩa là đang trong khả năng nguy hiểm. Khi điều khiển phương tiện, không phải lúc nào lái xe cũng chú ý được các biển báo, thiết bị này làm thay lái xe những lúc như vậy.
Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông – Nam Á của Mobileye A. Su-bi cho biết: Trong hệ thống cảnh báo có một con chíp xử lý, giống với trí thông minh của bộ não người. Mobileye đã phát triển bộ não này, ứng dụng công nghệ thị lực nhân tạo trong việc phân tích môi trường lái xe. Việc này nhằm giảm tình trạng báo động sai nhờ khả năng phân biệt con người, xe đạp, xe máy, ô-tô,… với vật vô tri vô giác và có thể bỏ qua những đối tượng lưu thông trong khu vực an toàn.
Cuối tháng 6 vừa qua, tại Hà Nội, Công ty Thiên Minh Autosafety đã chính thức công bố hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty Mobileye-Intel. Hai đơn vị sẽ hợp tác để cung cấp sản phẩm công nghệ hỗ trợ lái xe tiên tiến tại Việt Nam với mức giá hợp lý hơn, nhằm đưa sản phẩm hỗ trợ, cảnh báo đâm va, tai nạn cho lái xe. Giám đốc Công ty Thiên Minh Autosafety Trần Thế Minh cho biết: Sản phẩm công nghệ này không chỉ giúp giảm TNGT, hạn chế thiệt hại về con người và tài sản, mà còn giúp thay đổi văn hóa lái xe khi tham gia giao thông tại Việt Nam. Hiện nay, mức giá sản phẩm được phân phối và bán tại Việt Nam khoảng 600 USD (gần 13 triệu đồng), do thuế nhập khẩu thiết bị lên tới 20%, khiến mức độ tiếp cận thiết bị của chủ xe còn thấp.
Cần cơ chế hỗ trợ, ưu tiên ứng dụng công nghệ
Theo TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, Mobileye – Intel là hệ thống được phát triển và ứng dụng trong thực tiễn hàng chục năm nay tại các quốc gia phát triển, trở thành một thiết bị được trang bị trên những dòng xe cao cấp. Ở các nước châu Âu, Mỹ, các dòng xe đắt tiền đều được trang bị sẵn thiết bị này một cách bắt buộc. Tuy nhiên, tại Việt Nam và các thị trường đang phát triển hiện nay, thiết bị này mới chỉ được coi là một lựa chọn chứ không đòi hỏi tính bắt buộc phải đồng bộ theo xe. Khi khoa học công nghệ nâng cao, thiết bị này được nghiên cứu, phát triển ngày càng hoàn thiện, phát huy các tính năng cảnh báo, giúp nâng cao ATGT, việc ứng dụng công nghệ trên phương tiện là hết sức cần thiết. Theo Vụ trưởng Khoa học công nghệ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Tô Nam Toàn, ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ lái xe ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa thật sự phổ biến. Việc doanh nghiệp trong nước hợp tác với công ty công nghệ tiên tiến thế giới sẽ giúp công nghệ này mở rộng hơn cho nhiều dòng xe ô-tô tại Việt Nam. Ông Toàn cũng đề nghị, để phù hợp đặc trưng giao thông tại Việt Nam, đơn vị phát triển công nghệ cần có thêm các tùy biến, thí dụ thiết bị mới chỉ cảnh báo được biển giới hạn tốc độ, chưa nhận biết được biển báo giao thông tại đô thị, trong khi đây là các biển báo phổ biến ở Việt Nam.
TS Khuất Việt Hùng cho biết, trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, với vai trò của mình, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan hữu quan xem xét, hỗ trợ ưu đãi sản phẩm, với quan điểm nhất quán là mong muốn các phương tiện giao thông lưu thông ngày càng an toàn. Đồng thời, Ủy ban ATGT quốc gia cũng sẵn sàng phối hợp doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ tổ chức giới thiệu, quảng bá hiệu quả của thiết bị công nghệ đến đông đảo người dân, các doanh nghiệp vận tải,… sử dụng sản phẩm, giúp cho người dân hiểu và có cơ hội tiếp cận công nghệ mới, sử dụng thiết bị giúp giảm tai nạn, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Ủy ban cũng kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ, ưu tiên ứng dụng, sử dụng công nghệ mới, hữu ích vào Việt Nam. Theo đó, có thể xem xét ưu tiên về thuế hoặc kết hợp một số chính sách ưu đãi khác, như phương tiện lắp đặt thiết bị này sẽ được ưu đãi giảm giá, ưu đãi phí bảo hiểm,… giúp cho nhiều người có cơ hội tiếp cận, sử dụng được thiết bị. Hiện nay, chính sách thuế nhập khẩu đối với loại thiết bị này còn cao, khiến giá thành trên thị trường chưa thật sự hấp dẫn đối với phần lớn lái xe.
Bảo đảm ATGT là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Trong những năm qua, số người chết vẫn ở mức cao. Thiệt hại do TNGT lên nền kinh tế khoảng 3% GDP/năm, có nghĩa mỗi năm, TNGT ở Việt Nam gây tổn thất gần 115 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 300 tỷ đồng/ngày. Hạn chế TNGT là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành giao thông. Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng để giảm các tiêu chí về TNGT hằng năm từ 5 đến 10%, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT nghiêm trọng. Có thể thấy, việc ứng dụng các công nghệ thông minh sẽ là giải pháp tối ưu và bền vững để ngăn ngừa và hạn chế TNGT, nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra của Chính phủ.
Ý kiến ()