Xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở đất: Góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
- Lạng Sơn có địa hình phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất. Điều này đặt ra yêu cầu cần xây dựng bản đồ phân vùng, cảnh báo sạt lở chính xác để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Năm học 2022 – 2023, nhóm học sinh gồm Nguyễn Triệu Vy và Nguyễn Khánh Ngân, Lớp 11G, Trường THPT chuyên Chu Văn An dưới sự hướng dẫn của cô giáo đã triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ 3S trong xây dựng bản đồ phân vùng và cảnh báo sạt lở”.
Công nghệ 3S (Công nghệ địa không gian) là sự kết hợp của 3 thành tố: viễn thám (Remote Sensing), hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System) và hệ thống định vị toàn cầu (Global Positioning System). Đây là một trong những công nghệ được ứng dụng phổ biến trong thời gian gần đây để phân vùng, cảnh báo sạt lở. Các công trình nghiên cứu xác định các yếu tố cơ bản hình thành sạt lở ở khu vực miền núi bao gồm: đặc điểm địa hình, địa chất, tính chất đất (loại đất), độ che phủ thực vật (rừng), độ dốc lưu vực, lượng mưa cực đại trong ngày.
Tại tỉnh Lạng Sơn sạt lở chủ yếu xảy ra tại các khu vực có độ dốc lớn, độ che phủ thực vật dưới 10%, lượng mưa cực đại đạt trên 200 mm/ngày, đất có tính thấm trung bình và kém, vỏ phong hóa bở rời.
Em Nguyễn Triệu Vy, Lớp 11G, Trường THPT Chuyên Chu Văn An, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ 3S trong xây dựng bản đồ phân vùng và cảnh báo sạt lở tại tỉnh Lạng Sơn”, chúng em đã đánh giá các yếu tố phát sinh sạt lở lưu vực thông qua việc thu thập, phân tích bản đồ đánh giá địa hình, địa chất, rừng và lớp phủ thực vật, độ dốc, lượng mưa. Trên cơ sở đó, chúng em tiến hành xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở và đề xuất giải pháp quản lý sạt lở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Trong quá trình xây dựng bản đồ phân vùng và cảnh báo sạt lở, nhóm nghiên cứu đã dành nhiều thời gian để đánh giá các yếu tố phát sinh sạt lở trên địa bàn tỉnh. Dữ liệu được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm điều tra khảo sát, thống kê, quan trắc, ảnh vệ tinh, bản đồ giấy và dữ liệu từ các nghiên cứu có liên quan trong thời gian từ 20 đến 30 năm trở lại đây kết hợp với việc trực tiếp đến các điểm sạt lở, phỏng vấn người dân về diễn biến sự việc cũng như ảnh hưởng của nó đến đời sống, sản xuất của người dân trong khu vực. Khi đã có những dữ liệu cơ bản, nhóm nghiên cứu tiến hành chồng xếp các lớp thông tin, yếu tố phát sinh sạt lở để tạo ra bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở của tỉnh Lạng Sơn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy diện tích khu vực có mức độ tiềm ẩn sạt lở rất cao là 723 km2 (chiếm 8,72% tổng diện tích toàn tỉnh), khu vực có nguy cơ cao là 1.524 km2 (chiếm 18,37%), tập trung chủ yếu ở những khu vực có độ cao và độ dốc lớn, địa hình có xu hướng tụ thủy, thảm thực vật chủ yếu là cây bụi hoặc đất trống, loại đất dốc.
Các huyện, thành phố có diện tích và tỷ lệ diện tích nguy cơ sạt lở ở mức cao và rất cao gồm: Bắc Sơn, Lộc Bình, Văn Quan, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn.
Những khu vực có nguy cơ sạt lở cao và rất cao tuy chỉ chiếm phần diện tích nhỏ so với tổng diện tích toàn tỉnh song đây lại là những khu vực có dân cư tập trung đông, do đó cần phải có các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sạt lở đất.
Cô Trịnh Sao Linh, giáo viên môn Toán, Trường THPT chuyên Chu Văn An (hướng dẫn nhóm nghiên cứu) cho biết: Để tạo ra được sản phẩm cuối cùng là bản đồ phân vùng và cảnh báo sạt lở tại tỉnh, nhóm nghiên cứu gặp phải rất nhiều khó khăn như phải sử dụng cùng lúc nhiều phần mềm, mỗi phần mềm lại có nhiều chức năng, công dụng nên cần nhiều thời gian, công sức để làm quen. Cùng đó, các em phải tìm hiểu và sử dụng các bản đồ thành phần khác nhau tương ứng với từng yếu tố gây sạt lở, quá trình nghiên cứu phải tiến hành từng bước một rất tỉ mỉ.
3S là công nghệ mới nên cô và trò phải tìm hiểu rất sâu và tìm tòi đặt ra rất nhiều câu hỏi để nghiên cứu một cách kỹ lưỡng mới có thể đưa ra câu trả lời đúng nhất. Tuy khó khăn song các em đã tích cực, chủ động khắc phục, từ đó thành công tạo ra sản phẩm hữu ích là bản đồ cảnh báo sạt lở của tỉnh.
Nắm được những vị trí có nguy cơ cao về sạt lở và đưa ra cảnh báo chính xác sẽ góp phần giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đất gây ra. Bản đồ phân vùng và cảnh báo sạt lở tại tỉnh Lạng Sơn còn có thể phát triển để xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý các điểm có nguy cơ cao.
Tại cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 15 năm 2023, đề tài này đã xuất sắc đạt giải nhì. Hy vọng rằng nhóm triển khai dự án sẽ tiếp tục nghiên cứu để sản phẩm sớm được ứng dụng vào thực tiễn.
Ý kiến ()