Ứng cử viên cánh tả dẫn đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống CH Séc
* Pháp và Tây Ban Nha bác bỏ đàm phán với ETA Theo AP, ngày 13-1, kết quả kiểm phiếu sơ bộ tại toàn bộ 14.904 đơn vị bầu cử của CH Séc cho thấy, cựu Thủ tướng kiêm Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội theo đường lối cánh tả M.Dê-man dẫn đầu với 24,21% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống trực tiếp đầu tiên của nước này ngày 11 và 12-1 vừa qua.Đứng thứ hai là Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm C.Xvác-xen-béc giành được 23,4% số phiếu. Việc ông Xvác-xen-béc đứng thứ hai trong vòng một cuộc bầu cử là điều bất ngờ bởi theo các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, ông chỉ đứng vị trí thứ 4 hoặc thứ 5. Trong khi đó, một ứng cử viên được kỳ vọng là cựu Thủ tướng G.Phi-sơ thuộc đảng Quyền công dân chỉ giành được 16,5% phiếu bầu. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ được công bố vào hôm nay (14-1). Tuy nhiên, do không có ứng cử viên nào giành hơn 50% số phiếu ủng hộ nên Séc sẽ tiến hành bỏ phiếu vòng hai vào ngày 25...
Theo AP, ngày 13-1, kết quả kiểm phiếu sơ bộ tại toàn bộ 14.904 đơn vị bầu cử của CH Séc cho thấy, cựu Thủ tướng kiêm Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội theo đường lối cánh tả M.Dê-man dẫn đầu với 24,21% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống trực tiếp đầu tiên của nước này ngày 11 và 12-1 vừa qua.
Đứng thứ hai là Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm C.Xvác-xen-béc giành được 23,4% số phiếu. Việc ông Xvác-xen-béc đứng thứ hai trong vòng một cuộc bầu cử là điều bất ngờ bởi theo các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, ông chỉ đứng vị trí thứ 4 hoặc thứ 5. Trong khi đó, một ứng cử viên được kỳ vọng là cựu Thủ tướng G.Phi-sơ thuộc đảng Quyền công dân chỉ giành được 16,5% phiếu bầu. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ được công bố vào hôm nay (14-1). Tuy nhiên, do không có ứng cử viên nào giành hơn 50% số phiếu ủng hộ nên Séc sẽ tiến hành bỏ phiếu vòng hai vào ngày 25 và 26-1 để bầu chọn Tổng thống mới từ hai ứng cử viên Dê-man và Xvác-xen-béc.
* Hàng chục nghìn người ủng hộ Tổ chức ly khai xứ Ba-xcơ (ETA) đã biểu tình tại TP Bin-bao của Tây Ban Nha để kêu gọi chuyển các tù nhân về nhà giam gần nhà họ hơn. Đây là một trong những yêu cầu chính mà ETA đưa ra khi nhóm này hạ vũ khí năm 2011. Những người biểu tình kêu gọi trả tự do trước thời hạn cho những tù nhân đã thụ án hai phần ba hạn tù nhằm đẩy nhanh quá trình hòa giải và giải thể ETA. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp và Tây Ban Nha bác bỏ đàm phán với ETA về vấn đề tù nhân, yêu cầu ETA phá hủy hoàn toàn kho vũ khí và phải giải thể vô điều kiện. ETA đã bị Mỹ và EU liệt vào danh sách tổ chức khủng bố và bị quy trách nhiệm đối với cái chết của 829 người.
* Cảnh sát Bắc Ai-len cho biết, ít nhất 29 cảnh sát đã bị thương trong các vụ đụng độ mới giữa những tín đồ đạo Tin lành và Công giáo tại thủ phủ Ben-phát. Cảnh sát đã dùng vòi rồng và bắn đạn cao-su để giải tán đám đông. Bất đồng giữa những người theo đạo Tin lành ủng hộ Bắc Ai-len sáp nhập vào Anh, với những người Công giáo muốn Bắc Ai-len sáp nhập vào CH Ai-len đã kéo dài ba thập kỷ. Dự kiến, Bắc Ai-len và Anh sẽ họp cấp bộ trưởng trong những ngày tới để thảo luận biện pháp chấm dứt xung đột.
Theo Nhandan
Ý kiến ()