UNFPA cung ứng 3.700 bộ đồ cho phụ nữ Việt có nguy cơ bị bạo lực
Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ đã kết hôn thì có gần 2 người (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần…
Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam công bố cung ứng 3.700 bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp và tài liệu truyền thông nhằm hỗ trợ Việt Nam phòng, chống bạo lực giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp sẽ được phân phát tới những phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực cao, cụ thể trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thông qua các cơ quan trung ương và địa phương trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
2.800 bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp đã được bàn giao cho Hội Nông dân Việt Nam. Những bộ đồ dùng này sẽ được chuyển đến những phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực tại Đà Nẵng.
900 bộ đồ dùng đã được chuyển đến Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để bàn giao cho 17 trung tâm công tác xã hội trên khắp cả nước và Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) để chuyển đến cộng đồng và Ngôi nhà Ánh Dương cho nạn nhân bị bạo lực giới tại tỉnh Quảng Ninh.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, gây ra hậu quả lớn đối với nạn nhân, gia đình và cộng đồng.
Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ đã kết hôn thì có gần 2 người (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra, và gần 32% bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Khoảng 48% phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai và 90,4% không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP vào năm 2018.
Khủng hoảng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã tồn tại từ trước, song càng diễn biến nghiêm trọng hơn trong bối cảnh COVID-19.
Các báo cáo gần đây cho thấy hạn chế đi lại, cách ly xã hội và các biện pháp kiểm soát dịch khác, cùng với những áp lực, căng thẳng kinh tế-xã hội vốn có hoặc gia tăng trong gia đình, đã khiến bạo lực gia tăng, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Theo ước tính, bạo lực gia đình đã gia tăng ít nhất 30% tại nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, Đường dây nóng 1900 969 680 của Ngôi nhà Bình yên (nhà tạm lánh thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) và Đường dây nóng của Ngôi nhà Ánh dương 1800 1769 (do UNFPA hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc – KOICA hỗ trợ tại tỉnh Quảng Ninh) đã nhận được gấp đôi số cuộc gọi kêu cứu trong những tháng qua so với cùng kỳ những năm trước.
Theo báo cáo, nguy cơ xâm hại thân chất, xâm hại tình dục, xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em đã gia tăng đáng kể.
Bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp là nét đặc trưng trong gói hỗ trợ nhân đạo toàn diện của UNFPA nhằm bảo vệ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cũng như quyền của phụ nữ và trẻ em gái, giảm thiểu rủi ro bạo lực giới, đồng thời ứng phó và bảo vệ nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng tiêu cực do khủng hoảng.
Gìn giữ nhân phẩm là cơ sở thiết yếu giúp duy trì cảm giác tự trọng và tự tin – hai yếu tố cần thiết để ứng phó với các tình huống căng thẳng hay thậm chí là khủng hoảng nhân đạo. Bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp bao gồm những vật dụng cơ bản mà phụ nữ và trẻ em gái cần dùng để bảo vệ bản thân và giữ gìn vệ sinh cá nhân, lòng tự trọng và nhân phẩm trong khủng hoảng.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện của UNFPA tại Việt Nam cho biết: “UNFPA kêu gọi Chính phủ và các đối tác coi vấn đề sức khỏe tình dục và sức khỏe inh sản của phụ nữ và trẻ em gái là ưu tiên, giải quyết nguy cơ cao về bạo lực giới, đáp ứng kịp thời nhu cầu đặc thù của phụ nữ và trẻ em gái.”
UNFPA là một cơ quan của Liên Hợp Quốc hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản nhằm mục tiêu vì một thế giới không còn trường hợp mang thai ngoài ý muốn, nơi mọi ca sinh nở đều được an toàn và mọi thanh thiếu niên đều được phát triển hết tiềm năng của mình.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ các can thiệp nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch COVID-19” do Chính phủ Australia (Bộ Ngoại giao và Thương mại – DFAT) tài trợ./.
Ý kiến ()