UNESCO trao Bằng công nhận 'Nghi lễ và Trò chơi kéo co' là Di sản Văn hóa
Trong khuôn khổ lễ khai mạc Ngày VHTT&DL các dân tộc vùng Đông Bắc, đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trao Bằng UNESCO ghi danh “Nghi lễ và Trò chơi kéo co” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho 4 tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội.
Đại diện UNESCO trao Bằng công nhận “Nghi lễ và Trò chơi kéo co” là Di sản Văn hóa cho Việt Nam |
Tối 2/11 tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức lễ khai mạc Ngày VHTT&DL các dân tộc vùng Đông Bắc.
Tại lễ khai mạc, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, ông Michael Croft và Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã trao Bằng UNESCO công nhận “Nghi lễ và trò chơi kéo co là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”; cho đại diện Sở VHTT&DL và nghệ nhân các tỉnh, thành phố Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bắc Ninh, thành phố Hà Nội.
Hồ sơ “Nghi lễ và Trò chơi kéo co” do 4 nước, gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia, Philippines cùng xây dựng và đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày 2/12/2015, tại phiên họp của Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO tại Namibia, “Nghi lễ và Trò chơi kéo co” ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ở Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung hầu hết ở vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, nơi được xem là vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước.
Theo các tài liệu thống kê, trung tâm của di sản độc đáo này nằm ở vùng Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, di sản này còn được thực hành thường xuyên ở các tộc người miền núi phía bắc Việt Nam như người Tày, người Thái, người Giáy tỉnh Lào Cai, vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử.
Trong những năm qua, nhiều hồ sơ di sản về nghi lễ và trò chơi kéo co ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Lào Cai… đã được đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần xây dựng Hồ sơ liên quốc gia đệ trình UNESCO.
Trò chơi kéo co luôn thu hút sự tham gia của cộng đồng. |
Tại buổi lễ, chúc mừng Việt Nam nhận Bằng của UNESCO ghi danh di sản này, ông Michael Croft đánh giá cao giá trị văn hóa của di sản trong việc củng cố tinh thần đoàn kết của cộng đồng, bảo vệ và gìn giữ đất nước, đồng thời bày tỏ tin tưởng với kinh nghiệm mà Việt Nam đã có trong gìn giữ các giá trị di sản văn hóa, di sản nghi lễ và trò chơi kéo co sẽ cùng với các di sản khác của Việt Nam được bảo tồn, phát huy có hiệu quả, theo đúng cam kết với UNESCO.
Như vậy, đến nay, Việt Nam đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Ý kiến ()