UNESCO: Sẽ thử nghiệm hệ thống cảnh báo sóng thần ở Thái Bình Dương
Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông báo cho biết, để bảo đảm hoạt động tốt cho hệ thống cảnh báo sóng thần ở Thái Bình Dương, một đợt diễn tập mô phỏng sẽ được tổ chức tại khu vực này trong các ngày 2 – 6/2 tới đây.
Theo đó, hơn 40 quốc gia sẽ tham gia cuộc diễn tập với tên gọi PacWave15. 6 kịch bản trong bối cảnh mô phỏng này dự đoán sự xuất hiện của một trận động đất ngoài khơi bờ biển phía Nam và phía Bắc Nhật Bản, Tonga, Philippines, Chile/Peru và Colombia/Ecuador. Mỗi nước tham gia sẽ chọn 1 trong số 6 kịch bản. Đợt diễn tập này là để đánh giá các hệ thống truyền thông củng cố và nhấn mạnh các thông điệp cảnh báo. Những thông điệp truyền đi được gửi bởi Trung tâm cảnh báo sóng thần tại Thái Bình Dương (PTWC) có trụ sở ở Hawaii (Mỹ) và Trung tâm cảnh báo sóng thần tại Tây – Bắc Thái Bình Dương có trụ sở ở Nhật Bản, dựa trên các đầu mối ở mỗi nước.
Ngoài ra, đợt diễn tập này cũng là cơ hội để thử nghiệm các công cụ dự báo sóng thần mới được phát triển bởi các trung tâm cảnh báo. Những công cụ mới này được thông qua vào năm 2014 và hiện bao gồm các dự báo chi tiết về biên độ tối đa, hướng và sức mạnh của các đợt sóng. Chúng được thiết kế để cho phép mỗi quốc gia có thể hướng mục tiêu tốt hơn vào mối đe dọa và thiết lập mức độ cảnh báo rêng.
Hệ thống cảnh báo sóng thần và giảm nhẹ ở Thái Bình Dương được thiết lập vào năm 1965 bởi Ủy ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO nhằm ứng phó với những cơn sóng thần chết người đánh vào các bờ biển của Chile và Nhật Bản năm 1960. Mục tiêu của hệ thống này nhằm đơn giản hóa việc phát đi một cách nhanh chóng các cảnh báo trên quy mô khu vực và thúc đẩy kế hoạch ứng phó với những đợt sóng thần tại các quốc gia này. Các đợt diễn tập mô phỏng đã được thực hiện vào năm 2006, 2008 và 2011.
Gần 75% các đợt sóng thần chết người xảy ra ở Thái Bình Dương và các vùng biển liền kề. Tính trung bình, Thái Bình Dương phải gánh chịu một cơn sóng thần địa phương hai năm một lần và một trận sóng thần cường độ lớn ở quy mô khu vực Thái Bình Dương vài lần trong một thế kỷ. Trong vòng 6 năm qua, 4 trận sóng thần tàn phá đã xảy ra trong khu vực: vào năm 2009 tại Samoa và Tonga, năm 2010 ở Chile, năm 2011 tại Nhật Bản và năm 2013 ở quần đảo Solomon.
Theo CPV
Ý kiến ()