UNESCO ra Nghị quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tại kỳ họp lần thứ 37 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đang diễn ra tại thủ đô Paris của nước này, UNESCO đã ra Nghị quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam cùng với nhiều danh nhân văn hóa khác trên thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tại kỳ họp lần thứ 37 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đang diễn ra tại thủ đô Paris của nước này, UNESCO đã ra Nghị quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam cùng với nhiều danh nhân văn hóa khác trên thế giới.
Phát biểu bên lề phiên họp Đại hội đồng, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam, khẳng định đây là một vinh dự rất lớn đối với Việt Nam. Ông cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi Đại hội đồng đã đối chiếu với các quy định chặt chẽ về việc vinh danh và biểu quyết Nghị quyết 191/EX32 của Hội đồng chấp hành về kêu gọi các quốc gia cùng vinh danh trong hai năm 2014 và 2015 một số nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt trên thế giới và trong khu vực, trong đó có đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cũng cho biết UNESCO đánh giá cao hồ sơ về đại thi hào Nguyễn Du vì đã nêu bật tầm ảnh hưởng của nhà thơ: tác phẩm Truyện Kiều của ông được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới; tư duy độc lập, sáng tạo, tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc đã giúp ông dũng cảm vượt qua rào cản nặng nề hàng nghìn năm của Hán văn để viết tác phẩm bằng chữ nôm.
Trước đó, trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng vào ngày 8/11, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nêu rõ Việt Nam tiếp tục ủng hộ những nỗ lực cải cách do Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova (I-ri-na Bô-cô-va) tiến hành để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường vị thế, vai trò của tổ chức. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam tiếp tục chia sẻ với UNESCO thông qua đăng cai tổ chức nhiều sự kiện lớn của UNESCO cấp khu vực.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia, ông Nguyễn Thanh Sơn nêu bật những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này: Hàng năm Việt Nam dành 20% ngân sách cho giáo dục và đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, hướng tới phổ cập giáo dục trung học. Đối với các chương trình của UNESCO như Giáo dục cho mọi người (EFA), Thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững (DSD) giai đoạn 2005-2014, Việt Nam đang tích cực triển khai Kế hoạch hành động quốc gia cho mọi người (2003-2015), xây dựng Xã hội học tập và phát triển mạng lưới Trung tâm học tập cộng đồng.
Đối với lĩnh vực văn hóa, ông khẳng định Việt Nam đánh giá cao vai trò của UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy các di sản vật thể và phi vật thể thế giới. Với việc tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Ninh Bình (9/2012) và kỷ niệm 10 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Quảng Nam (6/2013), Việt Nam đã thể hiện cam kết cấp cao trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản và đưa tinh thần các công ước trên đến với từng địa phương, từng cộng đồng dân cư.
Về hợp tác giữa ASEAN và UNESCO, Thứ trưởng nói rõ là một nước thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam hoan nghênh ASEAN và UNESCO ký Thỏa thuận khung hợp tác giữa hai tổ chức. Ông khẳng định đây là một cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường quan hệ hợp tác giữa ASEAN và UNESCO, góp phần xây dựng trụ cột văn hóa-xã hội của Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Chiều 8/11, phát biểu tại buổi tiếp Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, bà Bokova đánh giá cao các đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam với tư cách là thành viên Hội đồng chấp hành khóa 2009-2013, cho rằng chất lượng đóng góp của Việt Nam đã mang lại rất nhiều bài học quý báu về sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên UNESCO. Bà hoan nghênh Việt Nam chủ động đề nghị những hoạt động hỗ trợ phối hợp với UNESCO nhằm chia sẻ khó khăn với tổ chức. Bà cũng bày tỏ tình cảm của mình đối với nhân dân và đất nước Việt Nam, nơi bà đã đi thăm hai lần trong nhiệm kỳ trước.
Theo CPV
Ý kiến ()