UNDP khuyến nghị chính sách phát triển ngành ôtô-xe điện Việt Nam
Đại diện nhóm nghiên cứu UNDP cho biết nghiên cứu nhằm đánh giá lại tác động của dịch lên chuỗi cung ứng ôtô-xe điện Việt Nam để khuyến nghị chính sách tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp nội địa.
Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu, xây dựng chính sách giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, UNDP đã hỗ trợ xây dựng báo cáo về chuỗi cung ứng của một số ngành trong bối cảnh dịch COVID-19; trong đó có ngành ôtô-xe điện.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ernst & Young Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu UNDP cho biết nghiên cứu nhằm đánh giá lại tác động của dịch COVID-19 lên chuỗi cung ứng của ôtô-xe điện Việt Nam, từ đó khuyến nghị chính sách trong việc tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam còn nhiều hạn chế với những vấn đề cố hữu như thị trường nhỏ cho mỗi mẫu xe (tính kinh tế về quy mô); kém cạnh tranh về chi phí lắp ráp ôtô (CKD) bởi chi phí logistics nhập khẩu linh kiện, phụ tùng…
Mặc dù dịch COVID-19 không tác động trực tiếp đến ngành ôtô Việt Nam, nhưng cũng góp phần thúc đẩy hai xu hướng toàn cầu tác động gián tiếp đến ngành này. Đó là sự chuyển dịch, xu hướng mới nổi về phương tiện giao thông không phát thải và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia trong ngành.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng mang lại nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp ôtô. Đặc biệt, xu hướng xe điện nổi lên nhanh chóng thời gian qua đã tạo cơ hội cho Việt Nam củng cố vị thế của mình trong chuỗi giá trị ôtô toàn cầu thông qua việc thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia và sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa vào hệ sinh thái xe điện.
Nhóm nghiên cứu UNDP đề xuất ngành ôtô tập trung vào việc chuyển đổi sang xe điện trong thời gian trung và dài hạn.
Cụ thể, xây dựng lộ trình cấp quốc gia về triển khai và áp dụng xe điện với sự cân bằng giữa hai yếu tố cung và cầu. Lộ trình xác định các chính sách khuyến khích cần thiết để thúc đẩy cơ hội tham gia của doanh nghiệp trong nước vào những cấu phần của chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu mà Việt Nam có tiềm năng. Mục tiêu chính của lộ trình là thay thế nhập khẩu, thậm chí tham gia vào hoạt động xuất khẩu.
Khung chính sách, thể chế được đề xuất trong lộ trình gồm chiến lược, cung và cầu. Theo đó, thành lập cơ quan ở cấp Trung ương chịu trách nhiệm và điều phối các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng và triển khai lộ trình.
Về nguồn cung, Việt Nam xác định những cấu phần trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu mà các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia hoặc có thể khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, xác định các khu vực địa lý ưu tiên và những chính sách trọng yếu để phổ biến xe điện cùng với các mốc thời gian dự kiến.
Mặt khác, xây dựng bộ tiêu chuẩn và yêu cầu các nhà sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn chung để khuyến khích sản xuất trong nước. Trong giai đoạn đầu, lộ trình cần tập trung vào việc tận dụng năng lực trong nước, đặc biệt trong hoạt động sản xuất xe điện 2 bánh có rào cản công nghệ thấp. Lộ trình này bao gồm cả việc thiết kế, triển khai chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân và chương trình đào tạo kỹ năng cấp quốc gia về xe điện.
Ngoài ra, Việt Nam cần có lộ trình khuyến khích việc sử dụng xe điện thông qua việc xây dựng tiêu chuẩn khí thải chuyên biệt cho các loại xe trên thị trường, có lộ trình rõ ràng áp dụng phương tiện không phát thải; đưa ra các yêu cầu về sản xuất, bán hàng cho các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) dựa trên các tiêu chí về chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, đặt ra tiêu chuẩn xếp hạng về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện để giúp quá trình mua bán dễ dàng và thúc đẩy cạnh tranh giữa các nhà sản xuất; giới thiệu các gói ưu đãi phi tài chính cho xe điện, các chương trình mua lại xe điện và giảm trợ cấp hoặc giảm ưu đãi thuế cho các phương tiện động cơ đốt trong.
Nhóm nghiên cứu UNDP cũng đề xuất về phát triển hạ tầng cơ sở sạc điện. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện phân tích toàn diện về mức độ sử dụng, mật độ phương tiện, mô hình giao thông và tình trạng tắc nghẽn. Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở sạc điện, xác định vị trí để đảm bảo các trạm sạc được đặt tại các vị trí thuận tiện, phù hợp với cơ sở hạ tầng điện và mạng lưới điện. Các doanh nghiệp như EVN (hạ tầng lưới điện) và Petrolimex (mạng lưới trạm xăng) đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này.
Để phát triển hệ sinh thái cho xe điện, ngoài việc thu hút đầu tư, thiết lập quan hệ đối tác của các bộ, ngành, địa phương, Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất cần có sự tham gia và dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như OEM, điện lực, dầu khí… cho hệ sinh thái xe điện./.
Ý kiến ()