UBTVQH xem xét về 2 dự án luật
Chiều 10/1, tại phiên họp thứ 20, UBTVQH đã xem xét, thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) và dự án Luật An ninh mạng.
Đối với dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về việc bổ sung nội dung quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, theo quy định hiện hành thì có 2 loại tình trạng khẩn cấp: Khẩn cấp về an ninh, khẩn cấp về thảm họa và chưa có quy định khẩn cấp về quốc phòng. Việc bổ sung tình trạng khẩn cấp về quốc phòng để có giai đoạn chuẩn bị cho tình huống tuyên bố đất nước trong tình trạng chiến tranh.
Về quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành động xâm lược”, Thượng tướng Phan Văn Giang giải thích, thực tế đã xảy ra tình trạng đất nước bị xâm lược, nhưng nước ta vẫn chưa tuyên bố tình trạng chiến tranh, chẳng hạn như ở chiến tranh biên giới Tây Nam những năm 1977, 1978.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ giải thích thêm, tình trạng khẩn cấp về an ninh và tình trạng khẩn cấp về quốc phòng khác nhau hoàn toàn về nội dung. Tình trạng khẩn cấp về an ninh là để ứng phó với những bất ổn nảy sinh trong nước. Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là để ứng phó với hành động xâm lược của nước ngoài.
Với 8 ý kiến phát biểu, các ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị rà soát thêm về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; việc kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng và ngược lại;…
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thay mặt UBTVQH đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH, hoàn thiện dự thảo luật, gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý lại trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5.
Về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật An ninh mạng, qua 15 ý kiến phát biểu, các ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị rà soát, làm rõ thêm về phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng với Luật An toàn thông tin mạng; cần tiếp tục làm rõ hơn quy trình, thủ tục, các khâu, cơ chế phối hợp, rà soát về thẩm quyền để bảo đảm hợp lý và khả thi, sao cho không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và lấy ý kiến để quy định về các biện pháp phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng vi phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mang tính khả thi cao, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết…
Theo baochinhphu
Ý kiến ()