UBTVQH xem xét dự án Luật Thủy lợi
Dự án Luật Thủy lợi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, thảo luận tại phiên họp thứ 7 diễn ra vào chiều 20/2.
Dự án Luật Thủy lợi (gồm 9 chương, 69 điều) đã được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Dự án Luật được xây dựng với phạm vi điều chỉnh là quy định về hoạt động thủy lợi; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi, quản lý nhà nước về thủy lợi. Đối tượng áp dụng của Luật là với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động thủy lợi trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật; vấn đề về quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; phân cấp quản lý công trình thủy lợi; tài chính cho thủy lợi; phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi…
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và một số ý kiến đề nghị cần quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật rõ ràng hơn, bao quát hết các nội dung của Luật, thể hiện được tính đa mục tiêu của hoạt động thủy lợi và mối quan hệ giữa thủy lợi với các ngành kinh tế khác, giữa thủy lợi với công tác bảo đảm quốc phòng-an ninh, nêu bật được trách nhiệm của các cấp trong hoạt động quản lý nhà nước về thủy lợi.
Có ý kiến đề nghị cần quan tâm xem xét, quy định về quy hoạch thủy lợi cho thống nhất với Dự thảo Luật Quy hoạch mà Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến. Đồng thời, cần làm rõ các nguyên tắc trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi trong dự án Luật.
Liên quan đến vấn đề phân cấp quản lý công trình thủy lợi, có ý kiến đề xuất cần làm rõ loại hình, quy mô công trình thủy lợi được giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý khai thác (tại Điều 24) để bảo đảm sự bình đẳng trong hoạt động cung cấp dịch vụ thủy lợi.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn quy định thẩm quyền quyết định giá dịch vụ thủy lợi đối với công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Cùng với đó, cần quy định rõ chính sách, đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng dịch vụ thủy lợi, nhất là đối với các hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số…
Về đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự án Luật thiếu yếu tố, thiếu quy định về huy động nguồn lực xã hội trong xây dựng các công trình thủy lợi, trong khi đây là một nguồn lực hết sức quan trọng, đồng thời cho rằng dự án Luật có 69 điều, song có quá nhiều điều giao Chính phủ quy định, vì vậy cần tiếp tục xem xét và cụ thể hóa các quy định ngay trong Luật.
Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng dự án Luật tiếp tục rà soát các quy định, điều khoản trong Luật, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật với các đạo luật khác trong hệ thống pháp luật nói chung, nhất là đối với Luật Xây dựng, Luật Đê điều, Luật Tài nguyên nước…
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp thu các ý kiến của UBTVQH tại phiên họp để hoàn chỉnh dự án Luật, trong đó đặc biệt lưu ý xây dựng phạm vi điều chỉnh của Luật cho phù hợp, tránh sự chung chung, thiếu cụ thể; rà soát lại tất cả các nội dung, quy định của Luật với các luật có liên quan, tránh sự chồng chéo; những vấn đề nào có thể cụ thể hóa được thì cần quy định cụ thể ngay trong Luật; chú ý đến vấn đề về bảo đảm quốc phòng-an ninh trong Luật…
Chiều cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()