UBTVQH xem xét dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
Tại Phiên họp thứ 51 diễn ra vào sáng ngày 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Toàn cảnh phiên họp |
Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 và được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ với 102 lượt ý kiến phát biểu; thảo luận tại Hội trường với 26 lượt ý kiến phát biểu, 3 ý kiến tranh luận và 3 ý kiến bằng văn bản. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết, quan điểm xây dựng và nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.
Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; gửi Công văn đề nghị Thường trực Ban soạn thảo nghiên cứu, phối hợp giải trình, bổ sung báo cáo về một số nội dung của dự án Luật trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội; tổ chức các cuộc làm việc với các cơ quan có liên quan.
Ngày 30/11/2020, Thường trực Ủy ban đã tổ chức Phiên họp với Ban soạn thảo, đại diện Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan để thống nhất các nội dung chủ yếu báo để cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật.
Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1),Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc bổ sung từ “tội phạm” để tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Về vấn đề này, thường trực cơ quan soạn thảo cho rằng, nếu quy định như Luật hiện hành thì đánh đồng giữa tội phạm về ma túy với tình trạng nghiện và các hành vi trái phép khác về ma túy. Do vậy, cần phân biệt giữa tội phạm về ma túy với tệ nạn ma túy để có cách ứng xử phù hợp.
Về bố cục của dự thảo Luật, có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh bố cục của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị bổ sung chương riêng về cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy trong đó xác định rõ địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ chế phối hợp, điều kiện bảo đảm và chính sách cho các lực lượng; có ý kiến đề nghị bổ sung chương về phòng ngừa ma túy, trong đó quy định cụ thể về nội dung, giải pháp, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong phòng ngừa ma túy đối với các nhóm đối tượng khác nhau, cơ chế, chính sách đầu tư cho công tác phòng ngừa; có ý kiến đề nghị bổ sung một chương về tuyên truyền, phòng, chống ma túy hoặc bổ sung trách nhiệm tuyên truyền về phòng, chống ma túy cho các chủ thể được quy định tại Chương II.
Về các vấn đề nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, bố cục của dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua về cơ bản giữ như quy định của Luật hiện hành, chỉ bổ sung thêm Chương về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và đã bao quát được phạm vi điều chỉnh của Luật.
Trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan cũng như nguyên tắc phối hợp giữa các lực lượng đã được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành và một số văn bản pháp luật liên quan khác.
Nếu tiếp tục quy định nội dung này trong Luật Phòng, chống ma túy thì sẽ dễ bị trùng lặp và không đầy đủ. Nội dung phòng ngừa ma túy đang được thể hiện trong nhiều điều, khoản tại các chương về trách nhiệm phòng, chống ma túy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy… Nếu quy định một chương riêng về phòng ngừa ma túy sẽ dễ dẫn đến trùng lặp về nội dung với các quy định nêu trên nên đề nghị không bổ sung chương về phòng ngừa ma túy.
“Thường trực Ủy ban cho rằng, bố cục như dự thảo là phù hợp và đề nghị giữ bố cục và số lượng chương như dự thảo Chính phủ trình. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cũng thấy rằng, nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy chưa được thể hiện rõ nét trong dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban đề xuất bổ sung trách nhiệm tuyên truyền phòng, chống ma túy đối với một số chủ thể quy định trong Chương II”, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị đưa các nội dung có liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy và các điều khoản trong Chương VI Quản lý nhà nước trong phòng, chống ma túy về Chương II Trách nhiệm trong phòng, chống ma túy.
Thường trực Ủy ban cho rằng, Chương VI của dự thảo Luật có quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của 10 bộ. Bên cạnh đó, trách nhiệm của một số bộ ngành gắn với một số quy định nằm rải rác ở các chương khác nhau mà không chỉ tập trung ở Chương II. Ngoài ra, quy định trách nhiệm của các bộ cũng đã được cụ thể hóa trong các nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ được Chính phủ ban hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 của Luật Tổ chức Chính phủ.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề xuất rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng Chương VI chỉ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy của Bộ Công an và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – hai bộ chủ đạo trong lĩnh vực này, còn trách nhiệm của các bộ, ngành khác sẽ được quy định theo các nội dung, nhiệm vụ cụ thể tại những điều, khoản có liên quan trong dự thảo Luật.
Về trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Điều 12), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quan điểm giữ nguyên tắc chủ trì, phối hợp như Điểm a, Khoản 1, Điều 13 Luật hiện hành; có ý kiến cho rằng quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân được tiến hành một số hoạt động liên quan đến điều tra, phát hiện tội phạm về ma túy là chưa phù hợp do vừa trùng lặp về nội dung và chưa đầy đủ so với quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan tương tự như quy định đối với cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Công an nhân dân.
Thường trực Ủy ban cho rằng, Phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị – xã hội và tham gia của toàn dân. Hơn nữa, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy là công việc hết sức nguy hiểm và rủi ro nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể phát sinh tiêu cực. Việc phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy sẽ làm tăng thêm sức mạnh và tính minh bạch trong công tác này. Vì vậy, nguyên tắc chủ trì và phối hợp cần được bảo đảm trong thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Về cai nghiện ma túy bắt buộc (Điều 30), có ý kiến đề nghị quy định rõ các trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; có ý kiến đề nghị tại điểm a và điểm b không cần quy định “biện pháp điều trị nghiện bằng thuốc thay thế”, bởi vì đây chỉ là cách thức điều trị đối với người nghiện chất ma túy dạng thuốc phiện và được thực hiện với cả hình thức cai nghiện tự nguyện cũng như bắt buộc; có ý kiến cho rằng quy định tại điểm c và điểm d là chưa phù hợp do chưa bảo đảm nguyên tắc chỉ cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy, cần xác định tình trạng nghiện đối với các trường hợp này trước khi áp dụng hình thức cai nghiện bắt buộc đối với họ.
Thường trực Ủy ban cho rằng quy định về các trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong dự thảo Luật đã bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, Thường trực Ủy ban đề xuất chỉnh lý quy định về cai nghiện bắt buộc theo hướng bảo đảm nguyên tắc: chỉ cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy; ưu tiên cai nghiện ma túy tự nguyện và biện pháp điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người đã từng cai nghiện ma túy (bắt buộc hoặc tự nguyện) mà tái nghiện
Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, ngoài các nội dung nêu trên, ý kiến của đại biểu Quốc hội về một số nội dung khác cùng các góp ý về kỹ thuật lập pháp sẽ được Thường trực Ủy ban phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội và Ban soạn thảo rà soát tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận tại phiên họp, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, cơ bản các thành viên Ủy ban Thường vụ đều nhất trí cao với báo cáo tiếp thu, giải trình do Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, các thành viên Ủy viên Thường vụ Quốc hội có cân nhắc thêm và đề nghị chú ý thêm đối với các cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo.
Cụ thể, đối với trẻ em từ 12 tuổi đến 18 tuổi đi cai nghiện tập trung thì cần có một điều riêng. Cần chỉnh lý thống nhất với các luật khác, bảo đảm quyền lợi tốt nhất, lợi ích tốt nhất cho các em, dù đi cai nghiện nhưng bảo đảm quyền con người, quyền trẻ em mà chúng ta đã cam kết trong Công ước quốc tế.
Về thời gian đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện thì ghi rõ trong các quyết định của Tòa án nhưng trách nhiệm của gia đình, xã hội, cơ quan, tổ chức cai nghiện thì cần phải rõ hơn trong hướng dẫn thi hành.
Về hiệu lực thi hành, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất là từ ngày 1/1/2022 có hiệu lực là phù hợp. Vì vậy, đề nghị cần quan tâm trong quá trình tổ chức thực hiện Luật này và để đảm bảo sự thống nhất giữa luật này với các luật khác thì cần tiếp tục rà soát.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát, thẩm tra lại dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để có thể trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV./.
Ý kiến ()