UBTVQH cho ý kiến về Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát
Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã được UBTVQH cho ý kiến trong phiên họp thứ 5 vào vào sáng nay, 20/12.
Lý giải về sự cần thiết ban hành quy chế, tờ trình của Ban soạn thảo Quy chế hoạt động giám sát UBTVQH do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày cho biết, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (Luật HĐGS), có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016. Đây là một bước tiến quan trọng, góp phần thiết thực khắc phục những hạn chế trong quá trình thực thi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (ban hành năm 2003), nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, bảo đảm trình tự, thủ tục các hoạt động giám sát được thực hiện thống nhất, thì một số nội dung trong Luật HĐGS cần được quy định chi tiết hơn.
Cụ thể, về xây dựng và thực hiện chương trình hoạt động giám sát hằng năm, cần quy định rõ hơn về trình tự, thủ tục và tiêu chí lựa chọn nội dung, số lượng chuyên đề đưa vào chương trình; quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành nghị quyết, kế hoạch triển khai, công tác phối hợp thực hiện và xem xét báo cáo về kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm.
Về hoạt động chất vấn, cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, tiêu chí lựa chọn nội dung chất vấn, danh sách người bị chất vấn; trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết sau chất vấn; việc đánh giá kết quả tổ chức phiên họp chất vấn; việc đánh giá báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết sau chất vấn tại mỗi kỳ họp.
Về giám sát chuyên đề, cần có quy định cụ thể, thống nhất về trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động của các đoàn giám sát, yêu cầu kết cấu nội dung các văn bản liên quan.
Về công tác điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát, cần quy định cụ thể về phạm vi, trình tự, thủ tục, tiêu chí, phương thức, nguyên tắc điều hòa, trách nhiệm phối hợp của Văn phòng Quốc hội, hội đồng, các ủy ban, các ban, các đoàn đại biểu Quốc hội.
Về việc xem xét thực hiện kiến nghị sau giám sát của các cơ quan và một số hoạt động giám sát khác được quy định trong Luật cũng cần được quy định rõ hơn về trình tự, thủ tục tiến hành, trách nhiệm các các cơ quan hữu quan.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng cần có quy định rõ hơn, làm cơ sở để đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội thống nhất thực hiện trong quá trình tiến hành các hoạt động giám sát.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, dự thảo Quy chế được xây dựng công phu, nhiều nội dung của dự thảo bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật HĐGS, các luật, nghị quyết có liên quan khác và thực tiễn hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong các nhiệm kỳ gần đây.
Thảo luận về nội dung dự thảo Quy chế, các ủy viên UBTVQH đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về quy định trần số lượng một số hoạt động giám sát; thể thức văn bản thành lập đoàn giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội; việc UBTVQH cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH; về tổ chức phiên họp chất vấn; hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH;…
* Dự thảo Quy chế gồm 7 chương, 54 điều. Chương 1: Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH; Chương 2: Chất vấn và xem xét trả lời chất vấn; Chương 3: Giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH; Chương 4: Điều hòa hoạt động các đoàn giám sát chuyên đề và hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội; Chương 5: Xem xét việc thực hiện nghị quyết, kiến nghị về kết quả giám sát; Chương 6: Hoạt động giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Chương 7: Công tác bảo đảm.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()