UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là dự án luật khó, chuyên môn sâu; việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 8 diễn ra vào chiều 15/2.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ngay sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; tổ chức các buổi làm việc, khảo sát thực tế tại một số cơ quan, tổ chức có liên quan; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật; tổ chức các cuộc họp của Thường trực Ủy ban Pháp luật với các bộ, ngành hữu quan để trao đổi, thống nhất về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật.
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, đây là dự án luật khó, chuyên môn sâu; việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì quy định trong Luật; những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm hoặc cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn thì trong Luật xác định một số nguyên tắc chung để giao quy định chi tiết.
Với tinh thần đó, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 11 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2), có 12 điều sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều.
Về cơ bản, các nội dung tiếp thu, chỉnh lý đã có sự đồng thuận, nhất trí giữa Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật.
Cụ thể, thống nhất về phạm vi điều chỉnh, tên gọi của Luật, phương án tiếp thu, chỉnh lý đối với 2 vấn đề lớn Chính phủ xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ).
Thống nhất giải trình, tiếp thu chỉnh lý các quy định về các nhóm vấn đề lớn trong dự thảo Luật, bao gồm 14 nội dung đối với nhóm vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan, 19 nội dung đối với nhóm vấn đề về sở hữu công nghiệp, 2 nội dung đối với nhóm vấn đề về quyền đối với giống cây trồng, 4 nội dung đối với nhóm vấn đề về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Thống nhất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh các nội dung lớn nêu trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản. Các nội dung này đều được báo cáo đầy đủ, cụ thể trong dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và dự thảo Luật.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu, giải trình khá đầy đủ, chi tiết ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đạt sự đồng thuận, nhất trí cao của cơ quan chủ trì, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan. Các vấn đề được bổ sung đều thể hiện sự kỹ lưỡng, trong quá trình làm việc có tham khảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn.
Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý, cho ý kiến cụ thể đối với các nội dung lớn của dự án luật liên quan đến các quy định về quyền tác giả; quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; việc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của luật trong hệ thống pháp luật;…
Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự án luật./.
Ý kiến ()