UBTVQH cho ý kiến dự án Luật Thư viện
Dự án Luật Thư viện được Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến lần 2 tại phiên họp thứ 33 diễn ra vào chiều 12/4.
Toàn cảnh phiên họp. |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của UBTVQH tại phiên họp lần thứ 32 về dự án Luật Thư viện, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, thực hiện Văn bản số 2667/TB-TTKQH ngày 19/3/2019 của Tổng Thư ký Quốc hội thông báo Kết luận của UBTVQH tại phiên họp thứ 32, tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ý kiến tham gia thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ngày 2/4/2019, Chính phủ đã có Báo cáo số 117/BC-CP tiếp thu, giải trình ý kiến của UBTVQH tại phiên họp 32 về Dự án Luật Thư viện.
Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo rà soát và tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của UBTVQH để chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp nhằm hoàn thiện Dự án Luật.
Cụ thể, về chính sách của Nhà nước trong phát triển thư viện, dự thảo Luật đã bổ sung quy định làm rõ những hoạt động thư viện được Nhà nước đầu tư theo hướng có trọng tâm trọng điểm, chính sách hỗ trợ, khuyến khích tại Điều 4; rà soát chỉnh sửa quy định tại các điều khoản có liên quan: Điều 5, Điều 8, Điều 11, Điều 15, Điều 16, Điều 19, Điều 20, Điều 23 và Điều 24 của dự thảo Luật để thể hiện sự xuyên suốt trong việc triển khai các chính sách này trong dự thảo luật.
Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và phân loại thư viện, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, việc thành lập của các loại hình thư viện; rà soát lại việc phân loại thư viện cho thống nhất và phù hợp.
Về phí hoạt động thư viện, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định phân định rõ về phí của thư viện công lập và về giá với thư viện ngoài công lập tại Điều 17 (khoản 4), Điều 23 (khoản 3), Điều 38 (khoản 2); quy định nghĩa vụ người sử dụng phải thanh toán các khoản chi phí phù hợp, tạo điều kiện cho thư viện phát triển, nhất là đối với thư viện ngoài công lập.
Về tổ chức biên chế thư viện, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay qua rà soát, dự thảo Luật đã có nhiều quy định thể hiện việc thành lập thư viện không làm tăng tổ chức và biên chế, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Bên cạnh đó việc thực hiện Luật Thư viện với những quy định bảo đảm liên thông, chuẩn hóa sẽ giảm về nhân lực và chi phí cho các thư viện. Nội dung này đã được bổ sung vào Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Thư viện.
Liên quan đến nguyên tắc lấy người sử dụng thư viện là trung tâm, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định để làm rõ nguyên tắc lấy người sử dụng thư viện là trung tâm trong dự thảo Luật.
Cụ thể, dự thảo đã tách mục quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thư viện thành một mục riêng (mục 3 tại Chương IV); bổ sung quy định “tổ chức không gian thân thiện phù hợp với các đối tượng người sử dụng” (Khoản 3 Điều 24); bổ sung tiêu chí phân loại thư viện theo chức năng, nhiệm vụ gắn với đối tượng người sử dụng (Khoản 2 Điều 5; các quy định từ Điều 25 đến Điều 30).
Dự thảo Luật cũng đã điều chỉnh phạm vi đối tượng được quy định tại các Điều 4, Điều 26, Điều 39. Theo đó, dự thảo Luật quy định quyền sử dụng thư viện của một số đối tượng đặc biệt đó là trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị tạm giam, tạm giữ thể hiện tính nhân văn của Nhà nước, phù hợp với các luật: Trẻ em, Người cao tuổi, Người Khuyết tật, chính sách về dân tộc…
Bên cạnh đó, Ban Soạn thảo đã chỉnh lý toàn bộ hồ sơ; đặc biệt, đã chỉnh lý, bổ sung nội dung đối với các văn bản: Tờ trình Chính phủ, Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Luật Thư viện, Báo cáo tổng kết thi hành Pháp lệnh Thư viện, đồng thời đã bổ sung đánh giá tác động đối với việc sắp xếp mạng lưới thư viện, tổng kết đánh giá tác động đối với người sử dụng thư viện trong những
Ban soạn thảo cũng đã rà soát toàn bộ văn bản về kỹ thuật lập pháp, đảm bảo ngôn ngữ pháp lý, tính khả thi và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; chỉnh lý phần giải thích các từ ngữ (Điều 2 đã chỉnh sửa 7 thuật ngữ, bổ sung 1 thuật ngữ, bỏ 3 thuật ngữ).
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, T hiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu. |
Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Thư viện (lần 2), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định Chính phủ đã chỉ đạo Ban soạn thảo tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Ủy ban Pháp luật để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Thư viện, đảm bảo đủ điều kiện trình Quốc hội theo quy định.
Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật.
Về bố cục của dự thảo Luật, dự thảo Luật gồm 7 chương, 51 điều, không thay đổi số chương, số điều so với dự thảo Luật trình UBTVQH tại phiên họp thứ 32, trong đó, chỉnh sửa, bổ sung nội dung của nhiều điều, sắp xếp lại thứ tự một số điều. Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự án Luật đảm bảo mục tiêu, quan điểm đã đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thư viện trong cả nước.
Ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh về cơ bản, Thường trực Ủy ban nhận thấy dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, chất lượng được nâng lên, đã hợp lý và chặt chẽ hơn. Để hoàn thiện dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh một số nội dung liên quan đến khái niệm thư viện; chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện; phân loại thư viện; điều kiện thành lập thư viện; xếp hạng thư viện;…
Ý kiến ()