UBND tỉnh họp xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 95 và Tiểu dự án 1 – Dự án 3
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp
– Sáng 25/1, đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp chuyên đề xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 95/NQ-TU ngày 20/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2030 (Nghị quyết 95); triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I (2021 – 2025).
Cuộc họp được triển khai trực tuyến đến 10 điểm cầu cấp huyện và 118 điểm cầu các xã thuộc khu vực II, khu vực III trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 95 được các cấp, ngành tích cực triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận 669 hồ sơ với diện tích 1.650,19 ha, trong đó, đã thẩm định 471 hồ sơ; diện tích dự kiến đủ điều kiện phê duyệt là 103,9 ha.
Trong quá trình triển khai Nghị quyết 95 còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc như: một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa thật sự vào cuộc trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện; công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế; tỷ lệ hồ sơ đủ điều kiện phê duyệt còn thấp; việc xác định cây tái sinh mục đích giữ lại còn khó khăn…
Về Tiểu dự án 1 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, năm 2022, tổng kinh phí giao trên địa bàn tỉnh là trên 62 tỷ đồng, kết quả giải ngân được trên 8,5 tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch. Năm 2023, tổng kinh phí được giao là trên 190 tỷ đồng, kết quả, giải ngân được trên 28,7 tỷ đồng, đạt 15,8% kế hoạch. Kết quả thực hiện còn thấp là do các huyện chủ yếu tập trung triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ bảo vệ rừng, trồng rừng, nội dung khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung và hỗ trợ gạo chưa thực hiện được.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại UBND tỉnh và các điểm cầu
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 95 và Tiểu dự án 1 – Dự án 3 như: công tác tuyên truyền, nhận thức một số bộ phận người dân còn hạn chế; lực lượng kiểm lâm mỏng; định mức hỗ trợ khoán, bảo vệ rừng còn thấp… Đồng thời, đưa ra đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực hiện như: ban hành cụ thể danh mục cây tái sinh mục đích để thực hiện cải tạo rừng; mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách; nâng kinh phí hỗ trợ trong công tác khoán, bảo vệ rừng…
Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đối với thực hiện Nghị quyết 95, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về cải tạo rừng tự nhiên đến cán bộ, đảng viên, công chức, người dân, doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm trong công tác thẩm định, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đối với các hồ sơ đủ điều kiện cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi, hoàn thành trong tháng 2/2024… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo lực lượng kiểm lâm chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện, UBND các xã trong công tác tuyên truyền, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, đảm bảo chặt chẽ đúng theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, thành lập các đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện; tổng hợp báo cáo đề xuất cơ quan liên quan giải quyết khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền….Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện rà soát đối chiếu chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, đặc biệt là đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên với đất quy hoạch lâm nghiệp, hiện trạng rừng hiện có, tham mưu UBND tỉnh xem xét điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất cho phù hợp, làm cơ sở triển khai thực hiện cải tạo rừng trên địa bàn.
Đối với nhiệm vụ Tiểu dự án 1- Dự án 3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tiếp tục đôn đốc UBND các huyện triển khai thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Tiểu dự án 1 – Dự án 3, đảm bảo người dân trên địa bàn xã vùng II, vùng III được tiếp cận và được hưởng thụ chính sách của Nhà nước; theo dõi, giám sát, tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thực hiện tại các đơn vị để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, UBND các huyện thành lập Tổ công tác để đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 3 trên địa bàn nhằm bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất; nghiêm túc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo; hằng năm, khi đề xuất nhu cầu kế hoạch, các huyện cần căn cứ thực trạng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có đủ điều kiện triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 3, đảm bảo quyền lợi của người dân, tránh trường hợp có kinh phí, đối tượng rừng đủ điều kiện nhưng người dân không được hưởng chính sách…
TÂN AN - CÁT TIÊN
Ý kiến ()